Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Nam Trực

07:10, 26/10/2017

Cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Huyện ủy Nam Trực cũng quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng, giới thiệu lịch sử Đảng bộ địa phương tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, Huyện ủy Nam Trực đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức giao ban định kỳ nhằm nắm bắt tình hình triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cho các ngành và các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn đưa nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ vào nghị quyết của Đảng uỷ và tập trung chỉ đạo, tăng cường cán bộ theo dõi, trực tiếp sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng. Đồng chí Vũ Tuấn Khải, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Sơn cho biết, xác định công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm sáng tỏ quá trình lịch sử, tổng kết thực tiễn và rút ra những bài học kinh nghiệm trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ xã trong thời kỳ mới, Đảng ủy xã đã xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930-2005”. Thực hiện Thông báo 184-TB/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn lịch sử Đảng bộ, năm 2017, Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết, thành lập tiểu ban chỉ đạo sưu tầm, tài liệu phục vụ công tác chỉnh lý, bổ sung cuốn lịch sử Đảng bộ xã. Hiện nay, Đảng ủy xã đang tiến hành tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp, chỉnh lý, bổ sung cuốn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn từ năm 1930 đến năm 2005 và sưu tầm tư liệu phục vụ xuất bản lịch sử Đảng bộ xã Đồng Sơn giai đoạn 1930-2020. Trong quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý, bổ sung lịch sử Đảng bộ xã, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sự tham gia của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân nên có nhiều thuận lợi, góp phần bổ sung thêm nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị cho ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương. Với các giải pháp đồng bộ, công tác nghiên cứu, biên soạn và phát hành lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Nam Trực có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Các ấn phẩm đã tái hiện đầy đủ, chân thực lịch sử của Đảng bộ huyện và lịch sử các ngành, các địa phương, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương, đơn vị trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về lịch sử Đảng bộ huyện, địa phương và truyền thống các ngành; khơi dậy lòng tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trực chuẩn bị tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng cho các địa phương, đơn vị.
Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trực chuẩn bị tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng cho các địa phương, đơn vị.

Cùng với đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh trên địa bàn huyện Nam Trực cũng được tăng cường. Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực đã ra Thông báo số 169-TB/HU ngày 17-1-2005 về chỉ đạo triển khai việc “Giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện”. Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị, các trường THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn và xây dựng đề cương hướng dẫn các xã, thị trấn biên soạn bài giảng lịch sử Đảng bộ địa phương giảng dạy trong các nhà trường. Từ năm học 2005-2006 đến nay, lịch sử Đảng bộ huyện đã được đưa vào giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, các trường THPT và các Trung tâm giáo dục thường xuyên; lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn cũng đã được đưa vào giảng dạy trong các trường học. Đặc biệt, hằng năm, vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, các cấp ủy Đảng trong huyện đều chỉ đạo tuyên truyền lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử các địa phương trên Đài Phát thanh huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn. Chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội CCB, Ban giám hiệu các nhà trường phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử các xã, thị trấn cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và học sinh… Qua đó đã khơi dậy niềm tự hào quê hương, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng thời động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia lao động, học tập, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Nam Trực đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Trực giai đoạn 1930-2010”; Kỷ yếu “Nam Trực 20 năm một chặng đường”. Cả 20 Đảng bộ xã, thị trấn trong huyện đều đã cơ bản hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương; Công an huyện đã xuất bản cuốn Biên niên sự kiện lịch sử Công an huyện Nam Trực giai đoạn 1945-2010. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, huyện Nam Trực sẽ hoàn thành cuốn lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang huyện Nam Trực giai đoạn 1947-2017 và tiếp tục sưu tầm, biên soạn, bổ sung tái bản lịch sử Đảng bộ các xã Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Tiến giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn huyện Nam Trực vẫn còn nhiều vướng mắc như: Việc thu thập, sưu tầm tư liệu lịch sử gặp khó khăn do phần lớn các bậc lão thành cách mạng là nhân chứng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đến nay đã qua đời; một số cụ còn lại thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế; tư liệu lưu trữ tại các địa phương, đơn vị hầu như không còn. Đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, biên soạn phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về công tác sưu tầm nên khi triển khai còn lúng túng. Công tác giáo dục truyền thống cách mạng ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên…

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Nâng cao chất lượng biên soạn các ấn phẩm; làm tốt công tác văn thư, lưu trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc biên soạn, biên tập lịch sử Đảng bộ huyện và Đảng bộ các xã, thị trấn giai đoạn tiếp theo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị tới đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com