Với tinh thần xung kích trên các mặt trận, những năm qua, thanh niên xã Xuân Phương (Xuân Trường) đã khai thác tốt các thế mạnh, nguồn lực của địa phương, mạnh dạn tìm các hướng đi mới để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương góp phần giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Trần Văn Hoan, xóm 3, Xuân Phương hướng dẫn thợ trẻ trong xưởng học nghề. |
Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến thăm trang trại VAC của anh Phan Xuân Kiều, Bí thư chi Đoàn xóm Nam. “Mọc” lên giữa đồng ruộng mênh mông, trang trại của anh Kiều bạt ngàn một màu xanh bởi những hàng cây ăn quả trĩu cành. Khu chuồng trại nuôi lợn, nuôi vịt, gà được xây kiên cố, khoanh ô hợp lý, gọn gàng… Đây là thành quả sau hơn 3 năm vợ chồng anh Kiều miệt mài cần cù, chịu khó không kể sớm hôm, mưa nắng. Đã từng có thời gian xa quê để kiếm sống, anh Kiều nhận thấy, muốn làm giàu, không nhất thiết phải “ly hương”. Trên mảnh đất quê hương, nếu chịu khó cộng với có hướng đi đúng đắn vẫn có thể thành công. Chính vì vậy, năm 2014, anh mạnh dạn vay trên 400 triệu đồng của các ngân hàng NN và PTNT, CSXH, xin xã cho đấu thầu đất khu đất trũng để không nhiều năm để đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sau một thời gian đầu tư công sức, trang trại của anh Kiều bước đầu ổn định, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Hiện, anh Kiều nuôi 200 con vịt đẻ, 30 con ngan, trên 50 con lợn và một ao cá truyền thống mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn cá, gia cầm. Ngoài ra, trên bờ anh còn trồng thêm ổi, sen và rau muống làm thức ăn cho cá… Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về trên 60 triệu đồng. Anh Kiều chia sẻ: Để tạo được uy tín trên thị trường và giữ được đầu ra cho sản phẩm nông sản của gia đình, tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm bởi hiện nay nhu cầu sản phẩm sạch, không sử dụng các hóa chất kích thích của người tiêu dùng rất lớn. Chính vì vậy, tôi nghiên cứu, tìm tòi cách phòng, chống sâu bệnh cho cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tôi tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do địa phương tổ chức và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt quy định về tiêm phòng vắc xin cho gia cầm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ cho vật nuôi. Đối với ao thả cá, tôi luôn có kế hoạch thay nước trong ao theo đúng quy trình để cá có thể phát triển tự nhiên. Để chất lượng thịt chắc và thơm, tôi tận dụng nguồn thức ăn là cỏ, rau muống cho cá ăn”… Mở xưởng gỗ từ năm 1998, anh Trần Văn Hoan, xóm 3, Xuân Phương hiện có cơ ngơi khá đồ sộ với hơn 100m2 nhà xưởng, tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương, chủ yếu trong lứa tuổi thanh niên với mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, chạm khắc gỗ, ngay từ nhỏ anh Hoan đã có điều kiện tiếp xúc và chứng kiến bố mẹ làm nghề nên nhanh chóng tiếp thu những kiến thức cơ bản về nghề mộc, đục, chạm khắc. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hoan đã xác định con đường lập nghiệp của bản thân sẽ bắt đầu từ nghề mộc. Vì thế, anh chăm chỉ học nghề của gia đình, thậm chí có thời gian còn đi làm thuê cho nhiều xưởng chạm khắc khác trong làng, ngoài xã để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường đầu ra cho sản phẩm. Vốn ham học hỏi lại khéo tay, chẳng bao lâu anh Hoan đã nắm chắc được nhiều kỹ năng cơ bản của nghề chạm khắc gỗ và tự tin mở xưởng. Xưởng của anh chuyên về các sản phẩm đồ thờ như tòa, kiệu, ngai, khám... Thời gian đầu mới mở, xưởng còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, với lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo đặc biệt là giá thành phù hợp với người tiêu dùng, sản phẩm của xưởng đã lấy được niềm tin của nhiều khách hàng. Hiện anh Hoan có khách hàng ở khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trung bình 1 năm, xưởng chạm khắc gỗ của anh nhận 5-7 công trình, trừ chi phí, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ 1 xưởng sản xuất nhỏ, vài năm trở lại đây, khi đã tạo được chỗ đứng trong thị trường, anh Hoan có điều kiện đầu tư nhiều máy móc hiện đại, công suất lớn như: máy vanh, máy bào, máy cắt, máy đục... Anh Kiều, anh Hoan chỉ là hai trong số nhiều “triệu phú” trẻ ở Xuân Phương đang nỗ lực làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Được biết, Xuân Phương hiện có trên 600 ĐVTN sinh hoạt tại 11 chi đoàn. Hiện, thanh niên trong xã chủ yếu tập trung phát triển kinh tế ở những ngành nghề có thế mạnh như: chạm khắc, thêu ren, xây dựng phát triển mô hình VAC... Riêng nghề chạm khắc gỗ có 50% thanh niên theo nghề. Có 60% nữ thanh niên tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng nghề thêu ren. Ngoài ra, Xuân Phương hiện có hàng trăm lao động xuất khẩu trong độ tuổi thanh niên đang làm việc tại các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Toàn xã có trên 30 hộ gia đình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, một số hộ còn có mức thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/năm. Cụ thể, toàn xã có 6 xưởng gỗ lớn do thanh niên làm chủ, mỗi xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 3-25 lao động; 7 xưởng thêu ren, thu hút hàng trăm lao động nữ. 2 thanh niên xây dựng trang trại theo mô hình VAC có quy mô lớn lên đến hàng nghìn m2… Để có được kết quả đó, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn, Đoàn Thanh niên xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Tính từ đầu năm đến nay, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Hội Nông dân xã, HTX sản xuất, kinh doanh DVNN Xuân Phương tổ chức được 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn, thu hút trên 40 ĐVTN tham gia. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, tạo động lực, khuyến khích thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực địa phương có thế mạnh. Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình, tổ chức Đoàn còn tham mưu cho UBND xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý cho ĐVTN được vay vốn từ nhiều kênh khác nhau như Ngân hàng CSXH, NN và PTNT. Từ đó đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình thanh niên được vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc đi xuất khẩu lao động.
Thời gian tới, để hỗ trợ thanh niên trong phong trào phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp, Đoàn Thành niên xã Xuân Phương tập trung khai thác, phát huy các thế mạnh của địa phương giúp thanh niên phát triển kinh tế, nhất là phát triển các nghề truyền thống như mộc, thêu, chăn nuôi theo mô hình VAC. Tăng cường vận động ĐVTN tham gia các lớp đào tạo nghề tại chỗ; hướng dẫn ĐVTN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nghề truyền thống nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức cho thanh niên đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài huyện… từ đó giúp thanh niên nâng cao kiến thức, tiếp thu các cách làm hay, hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò của sức trẻ trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên