Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn tỉnh được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch pháp lý của các tổ chức, cá nhân và yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh.
Kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) giám định tài liệu. |
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động BTTP, hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu với tỉnh tiếp tục thực hiện các đề án của Chính phủ đối với hoạt động BTTP. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”; Đề án 258 của Chính phủ về “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp”; Đề án “Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”; Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”; Đề án “đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015-2020”… Sở Tư pháp đã hướng dẫn các tổ chức BTTP triển khai việc hoàn thiện các chế định BTTP theo tinh thần cải cách tư pháp và chương trình công tác trọng tâm của ngành thông qua việc triển khai có hiệu quả các văn bản trong các lĩnh vực BTTP đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành; tổ chức phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về BTTP như Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Luật sư, Luật TGPL, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản có liên quan đến tổ chức hành nghề BTTP và nhân dân... Sở Tư pháp cũng hỗ trợ các tổ chức BTTP tập huấn, tọa đàm, hướng dẫn nghiệp vụ theo chuyên đề; tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới những lĩnh vực phức tạp như đấu giá tài sản, công chứng, luật sư..., tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, các tổ chức BTTP trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả công việc chuyên môn theo từng lĩnh vực cụ thể. Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và Luật Giám định tư pháp, các cơ quan quản lý hoạt động giám định tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm cho các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định đối với hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập là Trung tâm Pháp y tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và 1 tổ chức giám định theo vụ việc (Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng thuộc Chi cục giám định xây dựng - Sở Xây dựng) với 68 giám định viên tư pháp đang hoạt động tại các tổ chức giám định và các sở, ngành chuyên môn. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai; là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ chức hành nghề công chứng theo đúng lộ trình quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời để tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch và hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp, chia sẻ thông tin về tài sản công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh, nhờ đó đã góp phần ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, đảm bảo cao hơn tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng. Công tác TGPL đã và đang thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, việc TGPL trong hoạt động tố tụng đã hỗ trợ tích cực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi công vụ, hạn chế tình trạng lạm quyền, góp phần giải tỏa vướng mắc pháp luật, giảm bớt khiếu kiện và các tranh chấp phải đưa ra giải quyết bằng pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bảo đảm giải quyết các vụ án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp. Hiện trên địa bàn tỉnh ngoài Trung tâm TGPL có 2 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với gần 100 trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên TGPL… Ngoài ra, các hoạt động trong lĩnh vực BTTP khác như: hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản đều được triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện cải cách hành chính, phát huy vai trò của hoạt động BTTP trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của công dân trước pháp luật. Từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức hành nghề BTTP trong tỉnh đã thực hiện TGPL 1.200 vụ việc, thực hiện 28 cuộc TGPL lưu động; công chứng 11.947 việc; giám định 832 việc; tổ chức đấu giá tài sản 93 cuộc. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BTTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư, giám định tư pháp, công chứng, bán đấu giá tài sản còn thiếu, chất lượng hoạt động chưa cao; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ hành nghề BTTP chưa đồng đều; vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia vào các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thương mại chưa nhiều; hoạt động công chứng vẫn còn xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; công tác bảo đảm cho việc bán đấu giá còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc bán đấu giá đất ở các địa phương; các hoạt động bổ trợ khác như TGPL, tư vấn pháp luật hiệu quả hoạt động chưa cao.
Để nâng cao chất lượng hoạt động BTTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhất là các nội dung về vấn đề BTTP. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án của Chính phủ đối với hoạt động BTTP. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tham mưu, đề xuất với Trung ương và tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động BTTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BTTP; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ làm công tác BTTP theo hướng chuyên nghiệp./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng