Trước thực trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn đang được bày bán tràn lan ở các chợ hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện và khả năng cung ứng tham gia cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.
Một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Hiện tại trên địa bàn Thành phố Nam Định đang hình thành các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch. Cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi trên phố Nguyễn Trãi liên kết với các cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước cung ứng các mặt hàng được các cơ quan chức năng xác nhận an toàn đến người tiêu dùng. Nguồn thực phẩm của cơ sở được cung ứng ra thị trường hiện có khoảng 30 loại mặt hàng tươi sống và khô. Các mặt hàng rau, củ, quả được lấy từ 3 nguồn chính là HTX Nông nghiệp Đức Huy (Hà Nam); Cty rau, củ, quả Ngọc Anh (Nam Định) và HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, Mộc Châu (Sơn La). Các sản phẩm cá, tôm được lấy từ Cty Thủy Sản Hùng Vương (Giao Thủy) và cơ sở chế biến thủy sản Kim Sim; nước mắm, mắm tép, mì sạch, gạo sạch… được cơ sở nhập từ các cơ sở sản xuất nước mắm sạch Lê Gia (Thanh Hóa), mắm tép 9 mắm ở Hà Nội, mì Tâm Thủy (Bắc Giang), gạo Toản Xuân (Ý Yên). Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố Nam Định còn có các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch Hậu Lan của Cty TNHH Hậu Lan, phố Hoàng Văn Thụ; Cửa hàng hoa quả sạch Fuji Fruit - Chi nhánh Nam Định tại 28 đường Mạc Thị Bưởi; Cửa hàng hoa quả sạch tại 188 đường Trần Hưng Đạo; Cửa hàng rau sạch Sunday trên phố Vị Hoàng… Tại Cửa hàng hoa quả sạch Fuji Fruit - Chi nhánh Nam Định tại 28 Mạc Thị Bưởi và cửa hàng hoa quả sạch 188 Trần Hưng Đạo có nhiều mặt hàng hoa quả nội, hoa quả nhập ngoại tươi sạch như bưởi da xanh, sầu riêng, dưa lưới, cam xoàn, táo Star của Niu Di-lân, nho sữa Shinmuncast Nhật, nho đỏ không hạt Mỹ, mận October Sun Mỹ, dâu tây Úc, dưa lê Hàn Quốc, táo Nhật, lê Nam Phi, cam ruột đỏ Úc, dưa hấu không hạt... Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Hậu Lan ở phố Hoàng Văn Thụ có khoảng 10 mặt hàng, chủ yếu là các loại rau, thịt lợn, thịt gà… Mặt hàng rau xanh được cửa hàng nhập về từ một số vùng trồng rau an toàn trong tỉnh như Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Trác Văn, Phủ Lý (Hà Nam); thịt lợn, thịt gà được lấy từ các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm tại các xã Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định). Cửa hàng rau sạch Sunday trên phố Vị Hoàng (TP Nam Định) thuộc Cty TNHH Tuệ Hương. Hiện tại, Cty đã thành lập một trang trại trồng rau hữu cơ ở Mỹ Trung (Mỹ Lộc) gồm các loại rau như rau muống, rau ngót, cải bắp, cải thìa, các loại rau ăn sống, dưa chuột… để cung cấp cho cửa hàng. Ngoài ra, Cty còn liên kết với các hộ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Yên Dương (Ý Yên) để nhập các loại rau vụ đông như: cà chua, bắp cải, xu hào, súp lơ… để đảm bảo nguồn cung phong phú, ổn định. Cùng với việc cung cấp nguồn rau, củ, quả sạch, Cty còn kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà lấy tại các cơ sở cung cấp thực phẩm sạch ở HTX CCB Vạn Xuân Trường (Vụ Bản)… Việc phát triển các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, vì mới thâm nhập thị trường nên các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch cũng đang gặp khó khăn trong quá trình tiếp thị sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đầu tư để mở các cửa hàng thực phẩm sạch quá đắt đỏ trong khi lại chứa đựng nhiều rủi ro. Khi thành lập, mỗi cửa hàng lại phải đầu tư hệ thống bảo quản rau, thịt và hoa quả tươi, chưa kể các khoản chi phí khác. Ngoài ra, chi phí mua thực phẩm sạch khá cao do đầu tư cho sản xuất và giá thành thực phẩm an toàn luôn cao hơn so với thực phẩm được sản xuất đại trà, trong khi mức thu nhập của người dân chưa cao. Do vậy, có những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch dù đã hình thành được khá lâu song vẫn đang loay hoay tìm cách trụ vững và đến với người tiêu dùng với mức giá hợp lý…
Để phát triển các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch, tỉnh và các ngành chức năng cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư lưu thông phân phối thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (về thủ tục cấp phép, tiêu thụ sản phẩm…) để tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và lưu thông sản phẩm; có chế độ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp để tạo ra kênh phân phối bền vững cho thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư kinh doanh thực phẩm sạch về các vùng nông thôn để nông dân trong tỉnh được tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận