Ngát hương những bông hoa lao động sáng tạo

04:09, 01/09/2017

Tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017, tỉnh ta vinh dự có 4 cá nhân tiêu biểu đại diện cho hàng vạn người lao động trong toàn tỉnh đang ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản xuất đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương trong thời kỳ mới. Mỗi cá nhân là một tấm gương sáng lan tỏa trong cộng đồng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bốn cá nhân điển hình tiêu biểu toàn quốc của tỉnh ta được tuyên dương vừa qua gồm kỹ sư Trần Thị Hải Bình, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Sở NN và PTNT); Triệu Đình Hợi, nông dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản); Trương Thị Tuệ, công nhân Cty CP Dệt, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định và thầy giáo Bùi Thái Học, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Thầy giáo Bùi Thái Học, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong bốn đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc của tỉnh hướng dẫn học sinh trong giờ học Vật lý.
Thầy giáo Bùi Thái Học, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong bốn đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc của tỉnh hướng dẫn học sinh trong giờ học Vật lý.

Mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực lao động xã hội khác nhau nhưng ở họ đều toát lên một điểm chung là luôn trăn trở suy nghĩ, vượt qua chính mình, hết lòng, hết sức, tận tụy trong lao động để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Kỹ sư thủy sản Trần Thị Hải Bình, trong quá trình công tác đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích, được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó, phải kể đến 2 nghiên cứu tiêu biểu là: “Nghiên cứu sử dụng lá sắn thuyền chữa bệnh đốm đỏ cho cá trắm cỏ giai đoạn chuyển mùa” và “Nghiên cứu hệ thống thoát khí độc Hidrosunfua trong ao nuôi trồng thủy sản”. Hai nghiên cứu này đã đạt nhiều giải thưởng cấp địa phương và vinh dự được trao giải thưởng KOVA lần thứ 12, năm 2014 thuộc lĩnh vực “Khoa học công nghệ ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội và cộng đồng”. Với 2 nghiên cứu này, chị Bình đã giúp người nuôi thủy sản trong tỉnh cũng như trên cả nước giải quyết được khó khăn tồn tại lâu nay là khắc phục ô nhiễm môi trường ao nuôi thủy sản công nghiệp thông qua hệ thống thoát khí độc Hidrosunfua đặt dưới ao nuôi và sử dụng lá cây sắn thuyền để phòng, trị bệnh cho cá trắm cỏ (đối tượng nuôi phổ biến của thủy sản nước ngọt) trong giai đoạn chuyển mùa. Hai giải pháp này đáng chú ý là hoàn toàn không sử dụng đến thuốc kháng sinh, hóa chất trị bệnh cho cá hay chế phẩm bảo vệ nguồn nước mà hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học của nguyên lý giải thoát lượng khí độc tồn tại dưới ao nuôi do vi sinh vật yếm khí gây nên và nghiên cứu phát triển các bài thuốc, kinh nghiệm dân gian. Ngoài hiệu quả kinh tế ước tính với giá trị làm lợi khoảng từ 50 đến trên 100 triệu đồng/ha của mỗi phương pháp thì điều quan trọng hơn là việc ứng dụng nghiên cứu góp phần quan trọng thay đổi thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn sinh học cung ứng ra thị trường. Đến nay, sau gần 5 năm công bố kết quả nghiên cứu, giá trị các đề tài nghiên cứu khoa học vẫn liên tục được phát huy, nhân rộng ra nhiều vùng nuôi trong toàn quốc như: vùng nuôi xã Giao Phong (Giao Thủy), Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng)...  Trong lĩnh vực giáo dục, thầy giáo Bùi Thái Học, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một điển hình trong nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học bộ môn Vật lý, góp phần đào tạo nhiều học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Từ năm học 2008-2009 đến nay, các đội tuyển Vật lý do thầy phụ trách đều có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Cá nhân thầy giáo Học đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong lĩnh vực sản xuất, chủ trang trại Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) và công nhân Trương Thị Tuệ, Cty CP Dệt (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) với những tìm tòi sáng tạo để hợp lý hóa sản xuất làm tăng năng suất, hiệu quả lao động, trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Lập nghiệp ở một xã thuần nông, ngoài việc xác định làm giàu cho bản thân, anh Hợi còn có tâm nguyện giúp bà con trong vùng cùng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Với tư duy đó, anh đã đầu tư xây dựng trang trại một cách khoa học và luôn tìm hiểu để đa dạng hóa giống vật nuôi giúp người dân trong xã có nhiều cơ hội lựa chọn con giống cho phù hợp. Ban đầu anh nuôi lợn nái ngoại và gà thương phẩm, sau đó anh tiếp tục nuôi vịt trời và đến nay là nuôi thỏ Niu Di-lân để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngay sau khi nuôi thành công các đối tượng nuôi, anh đều chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người nuôi trong vùng. Anh vừa vận động thành lập HTX chăn nuôi Long Phú để phát triển sản xuất, đồng thời làm cơ sở để hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi và phổ biến kiến thức thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho tất cả các hộ nông dân có nhu cầu nuôi thỏ quy mô lớn. Đến nay, nhiều hộ dân đã được anh Hợi giúp xây dựng trang trại chăn nuôi thỏ là hộ các ông: Nguyễn Đăng Khôi, xã Minh Thuận (Vụ Bản) được giúp về vật tư, kỹ thuật nuôi thỏ trên diện tích 400m2 chuồng trại với 250 cặp thỏ bố mẹ; hộ ông Nguyễn Văn Ba, xã Yên Phúc (Ý Yên) với 200m2 chuồng trại và 70 cặp thỏ bố mẹ… Chị Trương Thị Tuệ là tấm gương lao động trẻ với 3 lần đạt danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” và danh hiệu “Xung kích sáng tạo trên mặt trận sản xuất” do Trung ương Đoàn trao tặng cùng nhiều danh hiệu thợ giỏi của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Giỏi tay nghề, chị còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Qua quan sát, theo dõi và phân tích lỗi kỹ thuật những lần phải dừng máy trong quá trình sản xuất, chị đã đề xuất bên cung ứng sợi phải đảm bảo quả sợi có đầu sợi trong lõi để nối đuôi quả sợi đang chạy và quả sợi dự trữ giúp cho máy chạy liên tục không dừng khi quả sợi hết. Giải pháp này đã được Hội đồng kỹ thuật Cty đánh giá cao với việc giảm 20% số lần dừng máy và giúp nâng cao năng suất của máy dệt thổi khí. Hay một giải pháp khác là tăng sức căng bên mép đầu thùng sợi độc lập với thùng sợi để sức căng cửa miệng vải lúc nào cũng duy trì ổn định, không làm ảnh hưởng đến đường đi của sợi ngang. Với giải pháp này, không chỉ giảm được 15-20% số lần dừng máy, nâng cao hiệu suất máy chạy mà còn nâng chất lượng các mặt hàng chạy trên máy dệt thổi khí. Các ý tưởng cải tiến hợp lý hóa sản xuất của chị Trương Thị Tuệ đã được lãnh đạo Tổng Cty CP Dệt may Nam Định phổ biến áp dụng ra các phân xưởng dệt trong toàn đơn vị.

Để có được những thành tích trong sản xuất, công tác, ngoài trình độ, năng lực chuyên môn sâu, rèn luyện tay nghề kỹ thuật cao, mỗi tấm gương lao động, sáng tạo đều phải thực sự tâm huyết, yêu nghề mà mình đã lựa chọn và luôn mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn trong công việc, tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những bông hoa lao động sáng tạo được xã hội trân trọng và ngày càng được lan tỏa nhân rộng, góp phần vượt khó phát triển kinh tế, xây dựng quê hương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com