Nam Trực - Vùng đất đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống

08:09, 04/09/2017

Thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) là một trong 3 phường rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Trải qua bao thăng trầm, ngày nay, các thế hệ nghệ nhân múa rối thôn Bàn Thạch đã đưa rối nước trở thành bộ môn nghệ thuật “đặc sản” của quê hương. Đoàn rối nước Bàn Thạch hiện có hơn 40 tích trò cổ như: Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông, chú Tễu, múa rồng, sư tử vờn cầu, thi đấu vật, đánh đu, cấy lúa, chọi trâu... Nghệ nhân Phan Văn Khuể, trưởng đoàn rối nước Bàn Thạch cho biết: Đa số các nghệ nhân và diễn viên trong đoàn làm nghề nông nhưng mỗi khi được huy động thì họ sẵn sàng bỏ tất cả để nhảy xuống ao, hồ “giật dây làm trò” cho dù tiền thù lao biểu diễn chẳng đáng là bao. Dường như bộ môn nghệ thuật độc đáo đồng quê này đã trở thành máu thịt, một phần cơ thể của họ. Điều đó lý giải có những tích trò, những ca từ hát rối đã có hàng mấy trăm năm nhưng đến nay vẫn được các nghệ nhân lưu giữ nguyên vẹn.

Múa rối nước của phường rối nước Bàn Thạch, xã Hồng Quang.
Múa rối nước của phường rối nước Bàn Thạch, xã Hồng Quang.

Trong xu hướng “tìm về cội nguồn”, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều xã, thị trấn ở huyện Nam Trực đã gìn giữ, khôi phục và phát huy được nhiều nét đẹp văn hoá làng truyền thống như: hát chèo ở các xã Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An, Nam Hồng, Hồng Quang; múa rối nước ở xã Hồng Quang, múa rối đầu gỗ ở Thị trấn Nam Giang; múa tứ linh ở các xã Nam Cường, Nam Thắng… Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất Nam Trực đã sản sinh ra nhiều nhân tài, nhân kiệt, nghệ nhân và được coi là vùng đất hiếu học, đất làng nghề. Nam Trực là địa phương có hệ thống di sản văn hoá phong phú với 397 di tích; trong đó có 61 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng. Gắn với mỗi di tích là những văn hoá tín ngưỡng đặc sắc như: tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ tổ nghề, tín ngưỡng thờ tổ tiên và các danh nhân văn hoá. Tín ngưỡng thờ tổ nghề ở Nam Trực là một văn hoá tín ngưỡng bản địa có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, có chỗ đứng đặc biệt, thể hiện đạo lý tôn kính, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. Các di tích thờ tổ nghề được gắn với nhiều lễ hội tôn vinh nghề truyền thống như: rèn Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang), đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), nghề nhuộm, làm hoa giấy Báo Đáp (xã Hồng Quang), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá), nghề mộc (xã Nam Cường), nghề dệt Thượng Lao (xã Nam Thanh), phở Giao Cù (xã Đồng Sơn)… Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá) là lễ hội có quy mô lớn, được khôi phục từ năm 2007 đến nay cũng đã thu hút đông khách đến tham quan. Đây là lễ hội mang sắc thái truyền thống văn hóa làng nghề với bề dày lịch sử trên 800 năm, được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng giêng. Phần đặc sắc nhất của lễ hội là trưng bày và thi hoa, cây cảnh với hàng nghìn tác phẩm tham gia mỗi năm, tạo cơ hội để các nghệ nhân trong cả nước được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh… Cùng với lễ hội ở các làng nghề truyền thống, hằng năm, cứ tiết trời sang thu hoặc lập xuân, lễ hội tại các di tích thờ nhân thần, danh nhân văn hoá cũng diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, thu hút hàng vạn người trẩy hội. Hầu hết các lễ hội vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống; ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc. Tiêu biểu như: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi trong lễ hội đền Đá (xã Tân Thịnh); chơi cờ bỏi, thi dệt vải, chọi gà, đánh đu trong lễ hội đền Đồng Phù (xã Nam Mỹ); múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò ở lễ hội đền An Lá (xã Nghĩa An); múa rối nước, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu trong lễ hội đền Am (Thị trấn Nam Giang); thi chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bịt mắt đánh trống, cờ tướng, bóng chuyền trong lễ hội đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (xã Nam Thắng); cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, bịt mắt bắt dê trong lễ hội đền thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (xã Tân Thịnh). Ngoài ra, nhiều hội làng khác trên địa bàn huyện đã khôi phục được các loại hình diễn xướng, bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo như: Nghệ thuật kéo chữ ở hội làng Đồng Côi và nghệ thuật múa rối cạn, rối nước tại lễ hội chùa Đại Bi (Thị trấn Nam Giang), múa rối nước tại lễ hội chùa Cổ Tung (xã Nam Hùng)… Nghệ thuật múa rối cạn tại chùa Đại Bi có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh (nhân vật được thờ tự tại chùa) về về địa phương tu hành truyền dạy cho người dân nơi đây. “Đất nghề” Nam Giang là vùng đất duy nhất trên cả nước vẫn được lưu giữ hầu như nguyên vẹn nghệ thuật múa rối cạn với 12 đầu rối bằng gỗ có tuổi đời trên 200 năm. Theo các nghệ nhân cao tuổi kể lại, múa rối cạn thường đi kèm với những làn điệu hát rối. Hát rối có tên cổ là “Ổi lỗi” - một nghi lễ thờ cúng. Không dừng lại ở đó, dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều trong kinh thư để răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động. Hội múa rối Ổi Lỗi chùa Đại Bi có 40 thành viên ở 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư. Các thành viên trong hội luôn có ý thức về việc trao truyền, gìn giữ một cách hệ thống các nghi thức. Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật múa rối Ổi Lỗi chùa Đại Bi đã bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu với nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ và cầu cho đất nước thái bình thịnh trị, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân múa rối trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý... thu hút đông đảo du khách, tín đồ phật tử ở khắp nơi hội tụ để thưởng thức loại hình nghệ thuật tiêu biểu mang đậm sắc thái đồng quê.

Ngày nay, nét đẹp văn hóa truyền thống ở Nam Trực luôn được gìn giữ, phát huy trong nếp sống, nếp nghĩ hằng ngày của nhân dân. Ở các làng nghề truyền thống, mỗi người dân trước khi được truyền nghề đều được các bậc tiền nhân nhắc nhở coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán hay nguyên tắc truyền nghề để giữ gìn bí quyết, tinh hoa. Các sản phẩm thủ công trong các làng nghề được trao đổi, giao thương buôn bán với yếu tố mở nên người làng nghề luôn có suy nghĩ và tư duy năng động. Ngoài ra, thế hệ con cháu ở mỗi làng nghề đều có ý chí học hỏi, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Những đặc trưng đó là điều kiện thuận lợi để các địa phương có làng nghề đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương… Đối với các làng, dòng họ văn hoá, dòng họ hiếu học, để phát huy truyền thống của cha ông, nhiều gia tộc đã có nhiều những việc làm thiết thực như: biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện quy ước gia đình, dòng họ, hương ước làng xã; trong đó chú trọng đến các vấn đề: bảo tồn, tôn tạo di tích từ đường, phần mộ tổ; lập ban khuyến học - khuyến tài, tủ sách dòng họ, làng xóm… Hoạt động của ban khuyến học, tủ sách dòng họ, làng xóm được duy trì tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức.

Giá trị văn hoá truyền thống ở Nam Trực luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Phát huy truyền thống tổ tiên, các con cháu thế hệ hôm nay và mai sau đã và đang nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com