Mô hình điểm an toàn thực phẩm ở phường Lộc Vượng

08:09, 11/09/2017

Trên địa bàn phường Lộc Vượng (TP Nam Định) có Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, là nơi diễn ra 2 lễ hội lớn là Lễ Khai ấn Đền Trần (đêm 14 và rạng ngày 15 tháng Giêng) và Lễ hội Đền Trần (từ 10 đến 20-8) âm lịch hằng năm. Trong thời gian trước, trong và sau lễ hội, số lượng khách thập phương về dự lễ hội và thực hành các nghi thức tâm linh đông. Theo đó, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch vào thời điểm diễn ra các lễ hội trên địa bàn phường Lộc Vượng phát triển. Do thời gian lễ hội diễn ra không dài, điều kiện cơ sở vật chất không được đảm bảo nên các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ăn uống tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATVSTP. Trước thực trạng đó, từ tháng 3 đến tháng 8-2017, Chi cục ATVSTP tỉnh đã triển khai mô hình điểm về đảm bảo ATTP tại phường Lộc Vượng, đặc biệt là khu vực tổ chức lễ hội Đền Trần theo 10 tiêu chí của Bộ Y tế.

Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Lộc Vượng trong dịp Lễ Khai ấn Đền Trần năm 2017.
Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Lộc Vượng trong dịp Lễ Khai ấn Đền Trần năm 2017.

Triển khai mô hình, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiến hành điều tra các điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP của người quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh phục vụ dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn phường nhằm đưa ra các biện pháp tích cực trong quá trình hoạt động. Trong quá trình triển khai mô hình, Chi cục ATVSTP tỉnh đã hướng dẫn UBND phường kiện toàn Ban Chỉ đạo VSATTP để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; cung cấp các tài liệu truyền thông; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định về ATTP, các kiến thức thực hành về ATTP cho những người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, cán bộ hưu trí và cộng tác viên y tế trên địa bàn. Cùng với tập huấn kiến thức, hàng trăm người trực tiếp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường đã được khám sức khỏe. Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham gia của cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn để thu thập ý kiến, đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP. Chi cục cũng tổ chức thực hiện xét nghiệm nhanh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện những thực phẩm mất an toàn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng để truy nguyên nguồn gốc và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những cơ sở vi phạm. Quá trình triển khai mô hình, công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP được đẩy mạnh với nhiều hình thức như cung cấp tin, bài có nội dung về đảm bảo ATTP, phổ biến các kiến thức về đảm bảo ATTP phát trên đài truyền thanh phường, phát tờ rơi có nội dung truyền thông về đảm bảo ATTP đến người dân, tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ, treo băng rôn tại vị trí dễ quan sát, truyền thông lưu động... Chi cục ATVSTP tỉnh và Trạm Y tế phường đã vận động, yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đầu tư, trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp làm việc để đảm bảo ATTP, đầu tư dụng cụ gắp, chứa đựng thức ăn, tủ, chạn đựng thực phẩm chín để tránh ô nhiễm chéo…

Qua 5 tháng triển khai thực hiện mô hình thông qua việc kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa bàn, người dân đã có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về ATTP. Nhận thức của người dân, đặc biệt là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến đã được nâng lên. Cụ thể, về điều kiện cơ sở vật chất, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ từ 80% ban đầu (khi chưa triển khai mô hình) tăng lên 88% ở cuối kỳ; hầu hết các cơ sở được điều tra đều có ý thức bày bán thực phẩm trên bàn cao trên 60cm; 92% cơ sở cuối kỳ có dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín… 100% cơ sở đã ký cam kết bảo đảm ATTP với chính quyền địa phương. Về kiến thức của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã có 92,8% chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu rằng khu vực chế biến thực phẩm cần phải theo nguyên tắc 1 chiều tăng lên; 95,8% chủ cơ sở hiểu trong nước đá mầm bệnh vẫn có thể tồn tại; 96,1% chủ cơ sở hiểu thực phẩm có thể bị ô nhiễm từ nguồn nước; 88,5% chủ cơ sở hiểu dụng cụ chế biến và trên dưới 90% chủ cơ sở hiểu hơi thở, bàn tay người chế biến; khói bụi ô nhiễm ảnh hưởng đến VSATTP. Ngoài ra phần lớn các chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường đã hiểu biết về các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; hôn mê, trụy mạch và tử vong… Ngoài ra, người dân trên địa bàn phường đã nâng cao hiểu biết và khả năng xử lý tình huống khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại cơ sở như: phát hiện báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền; bị đình chỉ việc sản xuất, kinh doanh; thông báo cho khách hàng tình huống ngộ độc thực phẩm; phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân; thực hiện các biện pháp phòng ngừa; khi bị bệnh về hô hấp, tiêu hóa, da liễu thì phải nghỉ hoặc chuyển công việc khác…

Từ hiệu quả bước đầu triển khai mô hình bảo đảm ATTP ở phường Lộc Vượng cho thấy, hoạt động của mô hình cần phải được diễn ra thường xuyên. Các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao ý thức của nhà quản lý, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong khu vực về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn đối với cuộc sống./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com