Ký ức một thời hào hùng

05:09, 01/09/2017

Trong khí thế sôi nổi, phấn khởi kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi về thăm cụ Đỗ Thị Mỵ, đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở xã Hải Trung (Hải Hậu). Ở tuổi “xưa nay hiếm” cụ Mỵ vẫn rất minh mẫn. Cụ kể cho chúng tôi nghe những năm tháng kháng chiến hào hùng trên quê hương Hải Hậu. Trong ký ức của cụ Mỵ, hình ảnh cao đẹp về một thời kháng chiến kiến quốc của quân và dân Hải Hậu hiện lên anh dũng, quật cường.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 17 tuổi, cụ Mỵ tham gia Đoàn phụ nữ cứu quốc xã Hải Trung, tích cực hoạt động tuyên truyền tinh thần yêu nước. Năm 1947, cụ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thời kỳ “2 năm 4 tháng” các vùng quê Hải Hậu bị địch dựng đồn bốt, vây ráp, khủng bố, lùng sục ráo riết nhằm tàn phá, càn quét các cơ sở cách mạng của ta. Cụ Mỵ nhớ lại: Từ cuối tháng 12-1949, bọn phản động địa phương tiếp tục củng cố và phát triển bộ máy nguỵ quân nguỵ quyền để làm nhiệm vụ bình định. Ở những vùng lương dân thì có hình thức hội tề như các nơi khác nhưng ở các thôn, xã có giáo dân, chúng lập ra 17 trung đội “Tự vệ công giáo” là lực lượng vũ trang phản động tại chỗ làm nhiệm vụ canh gác đồn bốt, bắt bớ cán bộ, du kích, kìm kẹp dân chúng. Thiết lập được bộ máy đàn áp, bọn phản động ra sức càn quét, bắt bớ tàn sát rất dã man cán bộ, du kích hòng triệt phá tận gốc các cơ sở kháng chiến, xoá sạch ảnh hưởng của cách mạng. Chúng tước bỏ mọi thành quả mà cách mạng đã đem lại: thu lại phần công điền của phụ nữ được chia sau cách mạng thành công, bắt nông dân phải hoàn lại cho địa chủ số tô đã giảm, thu lại các thứ thuế đã bị cách mạng xoá bỏ, tịch thu ruộng đất, tài sản của cán bộ, du kích. Chúng thúc ép hàng nghìn giáo dân theo chúng cướp phá các làng lương dân, đốt phá chùa chiền, cắm thánh giá ở các đình chùa, bắt đồng bào đi lương tòng giáo, khủng bố tràn lan gây nên cảnh đầu rơi máu chảy, làng xóm tiêu điều, chúng ra sức phục hồi những tệ nạn và hủ tục cũ như cờ bạc, thuốc xái, nhà thổ, cô đầu… Chúng mở lại một số trường học theo chương trình hồi Pháp thống trị nhằm đầu độc thanh niên và gây không khí ổn định giả tạo.

Cụ Đỗ Thị Mỵ, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, xã Hải Trung (Hải Hậu).
Cụ Đỗ Thị Mỵ, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, xã Hải Trung (Hải Hậu).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, cụ Mỵ về vùng địch hậu, cùng 10 đồng chí tình nguyện về huyện tự gây dựng cơ sở tại xã Hải Hưng. Nhiệm vụ chính là vận động chị em có chồng con đi lính cho địch hãy thuyết phục họ trở về, tham gia rải truyền đơn. Trong thời gian này, mặc dù nhiều lần bị địch bắt giam, nhưng cụ Mỵ vẫn một lòng kiên trung, bảo vệ cơ sở, buộc địch phải thả. Hoạt động trong lòng địch, ban ngày làm việc đồng áng, đêm đêm, cụ Mỵ cùng đồng đội bí mật tham gia rải truyền đơn, giao liên đưa thư ở các khu vực trung tâm và động viên nhân dân yên tâm ổn định tinh thần, quyết tâm đánh giặc. Tháng 8 năm 1950, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, cụ Mỵ bị địch bắt giam ở nhà thờ Giáp Nội. Địch dùng đủ mọi thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc, song không làm lay chuyển được ý chí của cụ. Chúng treo cụ lên xà nhà, dùng dùi cui đánh vào các khớp đầu gối, tay, lưng. Mỗi đòn thù là một lần hỏi cung, nhưng cụ cắn răng chịu đựng, kiên quyết không khai. Suốt bốn tháng bị giam ở bốt Đông Biên, chịu nhiều cực hình tra tấn, nhưng cụ vẫn giữ tấm lòng son sắt với cách mạng.

Nhớ về một thời bi tráng nhưng vô cùng anh dũng, cụ Mỵ xúc động: Những lúc bị địch tra tấn “chết đi, sống lại”, tôi được các đồng chí chăm sóc, động viên; nhất là những tấm gương của các chiến sĩ cách mạng trên quê hương nguyện một lòng: “Dù cho giặc khảo, giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình”. Đó là các đồng chí: Trần Văn Chử - cậu ruột và là người giác ngộ cách mạng cho cụ Mỵ. Đầu năm 1949, đồng chí Trần Văn Chử được Tỉnh uỷ điều động trở về tham gia Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu, trực tiếp phụ trách Đội tuyên truyền vũ trang. Ngày 8-9-1950, đồng chí Trần Văn Chử bị địch bắt tại hầm bí mật ở thôn Quỳnh Phương, xã Hải Phú. Mặc dù bị địch đưa về bốt đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí kiên quyết không khai báo, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Không khuất phục được, kẻ thù đã sát hại đồng chí rồi buông thi thể xuống dòng sông Cầu Đen - An Bài.

Theo ký ức của cụ Mỵ, trong cuộc đấu tranh kiên trung, anh dũng giữa lòng địch, quê hương Hải Hậu có nhiều tấm gương ưu tú với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là động lực giúp cụ vượt qua những nỗi đau từ đòn tra tấn tàn ác của kẻ thù, một lòng theo Đảng, bảo vệ tổ chức. Đồng chí Vũ Giao Hoan, trú quán tại xã Hải Thanh, là tổ trưởng tổ tuyên truyền võ trang, bị địch bắt ngày 15-6-1950 trong khi đi gài mìn đánh địch trên đoạn đường từ Phạm Pháo đến chợ Lương. Địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn như dùng búa ghè hết hàm răng, đập nát cơ thể nhưng đồng chí vẫn không nửa lời khai báo. Địch tức giận điên cuồng, chặt đầu đồng chí bêu ở chợ Lương, ở ngã ba Văn Đàn và kéo xác khắp chợ Lương. Đồng chí Bùi Văn Ba, quê xã Hải An, bị địch bắt trong khi đang cắm cờ phát động phá tề, diệt dõng. Bọn địch đã dùng kiếm chọc thủng từ 2 bả vai xuống thắt lưng, giải đi quanh xã, nhưng đồng chí vẫn một mực không khai báo. Ngày 15-9-1950, đồng chí bị bọn giặc chặt đầu, buông thi thể xuống sông Ninh Cơ. Đồng chí Trần Thiện Rụ, xã Hải Anh, nguyên xã đội phó xã Quần Anh, nguyên đội phó đội vũ trang tuyên truyền huyện bị địch bắt ngày 19-8-1950. Bị địch tra tấn dã man, cơ thể bị đốt cháy nhưng đồng chí vẫn kiên trung bất khuất. Sau khi lừa địch cho về chợ Đền để lấy tài liệu và vũ khí giao nộp đồng chí đã chửi thẳng vào mặt kẻ thù “Tao về đây để ngắm lại đồng bào và nhìn mảnh đất quê hương lần cuối” và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Đả đảo đế quốc và bè lũ tay sai”. Hoảng sợ, bọn địch xả súng bắn chết đồng chí vào hồi 10 giờ sáng ngày 2-9-1950.

Sau khi địch thả tự do, cụ Đỗ Thị Mỵ tiếp tục hoạt động bí mật xây dựng cơ sở cách mạng, tham gia diệt tề; được tổ chức tín nhiệm bầu làm Huyện uỷ viên, Hội trưởng Hội LHPN huyện Hải Hậu; tiếp tục tham gia công tác tại Hội LHPN tỉnh. Năm 1958, cụ về quê, tham gia lao động sản xuất tại địa phương. Năm 1966, cụ làm chủ nhiệm HTX dệt Thống Nhất, xã Hải Trung cho đến năm 1982 thì nghỉ hưu tại địa phương. Tấm gương kiên trung của cụ Đỗ Thị Mỵ là minh chứng sâu sắc cho phẩm chất yêu nước, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com