Liên tục trong các năm 2015, 2016 có các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong công tác giảng dạy được Hội đồng Khoa học Sở GD và ĐT đánh giá cao, Sở KH và CN cấp Giấy chứng nhận Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; vinh dự là một trong 33 cá nhân tiêu biểu được vinh danh giải thưởng Nguyễn Đức Thuận lần thứ 4 năm 2017 của LĐLĐ tỉnh; Giải khuyến khích của Bộ GD và ĐT trong cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2016-2017…, thầy giáo Đoàn Văn Hiệu là niềm tự hào của Trường THPT Xuân Trường C, huyện Xuân Trường.
Thầy giáo Đoàn Văn Hiệu trong một giờ lên lớp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Trước đây, học sinh THPT khi học các tác phẩm văn học cổ điển hầu hết đều tiếp cận theo hướng, qua phân tích từ ngữ, chia nhỏ văn bản thành đoạn, câu, đặc biệt là lý giải văn bản dưới con mắt người đương đại. Hướng tiếp cận như vậy làm mất đi tính khái quát tư tưởng của tác phẩm cũng như mất đi tính đặc trưng của văn học cổ. Hơn nữa phương pháp giảng dạy chủ yếu trong giờ học vẫn là truyền thống, nặng về giáo viên hỏi, học sinh trả lời, giáo viên đọc, học sinh chép. Điều này dẫn đến tình trạng chán học văn của học sinh, nhất là đối với văn học cổ điển. Để khắc phục tình trạng chung đó, năm học 2016, thầy giáo Đoàn Văn Hiệu đã nghiên cứu, viết đề tài phương pháp tiếp cận văn học cổ thông qua ví dụ cụ thể là bài thơ “Nhàn” của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm với tên gọi: Hiện đại và truyền thống, từ lý thuyết đến thực nghiệm trong cách tiếp cận “Nhàn”, chương trình Ngữ văn cơ bản lớp 10 của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong đó, trước đây khi tiếp cận bài thơ này, học sinh thường được hướng dẫn theo hướng, chia bố cục bài thơ thành bốn phần: Đề - Thực - Luận - Kết theo kết cấu của thơ Đường luật. Cách tiếp cận đó đúng nhưng chỉ thấy được một mặt nội dung tư tưởng hoặc hình thức kết cấu của văn bản. Thêm vào đó, những cách tiếp cận nêu trên chưa cho thấy được sự vận động tư tưởng của bài thơ cũng như bản chất, tư tưởng, quan niệm của tác giả. Với cách tiếp cận mới, thầy giáo Đoàn Văn Hiệu đã hướng dẫn học sinh theo; tiếp cận văn bản theo mã văn hóa, lý thuyết của chủ nghĩa cấu trúc, từ đó vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào thực hành hướng dẫn học sinh tiếp cận văn bản. Để triển khai đề tài, anh Hiệu đã tiến hành dạy thực nghiệm trong 2 năm học 2012-2013 và 2013-2014 ở 4 lớp 10 Trường THPT Xuân Trường C, thu được kết quả khả quan, có 93% học sinh đạt điểm trên 5 (tăng 29% so với cách dạy truyền thống). Trong đó, 20% đạt điểm 8 trở lên, 50% điểm 6 và 7, 23% đạt điểm 5… Đây là một kết quả ấn tượng so với cách học truyền thống thụ động của học sinh. Năm 2015, anh Đoàn Văn Hiệu viết Sáng kiến Lý thuyết Graph trong dạy học Ngữ văn, thực nghiệm vào đọc hiểu bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi. Sáng kiến này nhanh chóng được áp dụng trong công tác giảng dạy trực tiếp và thu được kết quả cao. Theo đó, dạy bài “Cảnh ngày hè” cho học sinh, anh Hiệu không hướng dẫn theo cách học truyền thống đọc hiểu mà dạy theo phương pháp Graph, sử dụng sơ đồ phân tích. Ngoài thuyết trình, phát vấn, anh Hiệu cho học sinh thảo luận, học theo sơ đồ tư duy Graph, tích hợp với kiến thức thống kê toán học, biểu đồ địa lý, ngôn ngữ học và cho học sinh thảo luận. Từ đó phát huy năng lực tìm thông tin, tự học, năng lực giao tiếp, tự tin trình bày trước đám đông của các em. Sử dụng sơ đồ Graph, anh Hiệu hướng dẫn học sinh tiếp cận bài thơ theo các sơ đồ: thời gian ra đời tập thơ; vị trí bài thơ trong sự nghiệp của Nguyễn Trãi; thể loại văn bản; đọc hiểu theo thể loại văn bản; ngôn ngữ của văn bản; nội dung và giá trị của văn bản... Tiến hành dạy thực nghiệm, đánh giá chất lượng học sinh qua bài soạn, câu hỏi, bảng biểu, sơ đồ luyện tập và qua các tiêu chí ở bảng cho thấy những kết quả khả quan. Cụ thể, 93% học sinh đạt điểm trên 5 (so với 64% nếu dạy bằng phương pháp truyền thống). Trong đó, 20% đạt điểm 8 trở lên, 50% điểm 6 và 7, 23% điểm 5, không có điểm dưới 2. Cả 2 sáng kiến trên đều được Hội đồng Khoa học Sở GD và ĐT tỉnh Nam Định xếp loại tốt; Sở KH và CN cấp giấy công nhận Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất. Và đó chỉ là 2 trong hàng chục sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học mà anh Hiệu thực hiện trong nhiều năm qua được Hội đồng khoa học ghi nhận, học sinh hào hứng tham gia.
Sinh năm 1984 ở Bình Minh, Nam Trực, từ khi cắp sách đến trường, Đoàn Văn Hiệu đã nổi tiếng trong xã vì… học giỏi Toán. Trong kỳ thi lớp 10 vào Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Nam Trực, Hiệu đạt số điểm cao thứ nhì toàn trường. Tốt nghiệp cấp 3, Hiệu đăng ký thi và đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khoa Maketing với số điểm 24,5 điểm. Đang học năm thứ nhất, trong những lần được nghe giảng viên dạy môn Triết học có đề cập đến các tác phẩm văn học, Hiệu chuyển hướng phát hiện ra đây mới là niềm đam mê thực sự của mình. Kết thúc năm học, Hiệu chuyển hướng nộp đơn và thi đỗ vào khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. “Nếu tư duy toán học mang cho tôi sự logic trong suy luận thì văn học lại hướng bản thân tôi tới những cảm xúc tinh tế, sâu lắng trong con người”, Hiệu chia sẻ về lý do “rẽ ngang”. Luôn tâm niệm “Văn học là nhân học. Sáng tạo là cốt lõi cho sự phát triển”, chính vì vậy, anh Đoàn Văn Hiệu luôn khuyến khích học sinh học, tiếp cận tác phẩm văn học theo những cách mới, hiệu quả. Quá trình đó, đòi hỏi người hướng dẫn, “truyền lửa” như anh phải luôn sáng tạo, “đột phá”. Và để đột phá thành công, không có cách nào khác buộc người thầy phải tự học, tự nghiên cứu. Anh Hiệu thường xuyên đọc sách, lên mạng tìm hiểu kiến thức và không ngại thử thách chính bản thân bằng cách tìm hiểu và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới. Anh Hiệu đặc biệt tâm huyết với việc ứng dụng phương pháp Graph trong dạy học môn Văn học (Graph là một phương pháp chuyển hóa từ một phương pháp riêng của Toán học, trở thành một phương pháp chung của nhiều ngành khoa học khác nhau trong đó có phương pháp dạy học cả tự nhiên và xã hội). Để triển khai phương pháp này đòi hỏi người giáo viên phải rất kỳ công, có kiến thức tổng hợp không chỉ về các môn khoa học xã hội mà còn phải có kiến thức về các môn khoa học tự nhiên. Mặc dù phương pháp Graph không mới mẻ trên thế giới, song ở nước ta, phương pháp dạy học này ít được các nhà sư phạm quan tâm, một số ít dám thử nghiệm. Khi nghiên cứu và áp dụng phương pháp Graph vào dạy Văn học, anh Hiệu nhận thấy những tác dụng tích cực: “Ý nghĩa của phương pháp này là rút ngắn kiến thức cho học sinh, giúp học sinh hình dung bài học một cách rõ ràng, mạch lạc, tránh việc phải nhồi nhét, ghi nhớ quá nhiều kiến thức”, anh Hiệu chia sẻ. Nó đặc biệt có ý nghĩa khi phát huy được tính chủ động của học sinh khi học các môn khoa học xã hội. Là một người có tư duy tốt về các môn học tự nhiên, anh Hiệu không chỉ áp dụng phương pháp toán học Graph vào giảng dạy Văn học, anh còn áp dụng các kiến thức như Vật lý vào dạy học môn Văn. Cụ thể, đề tài “Vận dụng lý thuyết Vật lý và Toán học vào đọc hiểu truyện ngắn theo đặc trưng thể loại thực nghiệm qua Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu” mà anh mới viết thời gian gần đây cũng đang được nhiều người quan tâm.
Miệt mài học, miệt mài tự nghiên cứu, dám chọn những hướng đi mới để thể hiện bản thân, khuyến khích tư duy sáng tạo trong học sinh, Thạc sĩ, đảng viên trẻ Đoàn Văn Hiệu trở thành người “truyền lửa” được đồng nghiệp, học trò tin yêu, quý trọng. Anh càng nối dài những thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình theo thời gian. Đứng vị trí thứ 2 trong hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh Nam Định năm 2016, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, anh hiện đang được trưng tập giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định)./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân