Gần 75 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông Lê Nguyên Hưởng, Bí thư chi bộ xóm 8, xã Xuân Bắc (Xuân Trường), Đại tá Quân đội nghỉ hưu, vẫn tận tụy, nỗ lực hết mình với các phong trào của địa phương. Với người dân trong xóm, ông chính là tấm gương người cao tuổi điển hình học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 1965, giữa lúc chiến tranh đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, cùng với bao lớp thanh niên trong xã, chàng thanh niên Lê Nguyên Hưởng khi đó đang là đảng viên, cán bộ Xí nghiệp thực phẩm huyện Xuân Trường đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị K46, Cục Quân khí, Tổng cục Hậu cần. Quá trình phục vụ trong quân ngũ, ông được điều động, phân công giữ nhiều trọng trách lớn như Trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, rồi phụ trách Ban biên soạn Công tác Đảng, công tác chính trị của Tổng cục. Năm 2002, ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Về với đời thường, ông Hưởng luôn tâm niệm phải giữ vững và phát huy được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ đảng viên đã được rèn luyện, giáo dục trong môi trường Quân đội. Với ông Hưởng, làm những việc có lợi cho dân cho nước vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui của mình. Ông luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “lấy dân làm gốc”. Vì thế trong mọi công việc, ông luôn đòi hỏi mình phải thực sự gương mẫu, “miệng nói tay làm”, tạo sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân. Tại các buổi họp chi bộ, cuộc họp xóm ông luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân phát huy dân chủ, gợi mở vấn đề để đảng viên cũng như quần chúng tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình. Hơn 2 năm làm Bí thư chi bộ xóm 8, ông Hưởng luôn được người dân trong xóm tin yêu bởi phong cách làm việc hòa đồng, gần gũi với người dân. Bản thân ông luôn tiên phong, gương mẫu trong tham gia các cuộc vận động, các phong trào ở địa phương. Cụ thể là việc vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, trong 3 năm qua, cùng với chi ủy xóm 8, ông đã vận động người dân đóng góp trên 322 triệu đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng Nhà văn hóa xóm trên diện tích gần 300m2; đổ bê tông đường Đồng Sau dài 110m; làm cầu qua sông, xây dựng bờ kè, đổ bê tông đường từ xóm 11 sang xóm 8 dài trên 220m. Kết quả này đã góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng NTM. Ông Hưởng chia sẻ: “Địa phương muốn có phong trào thì cán bộ phải đi đầu gương mẫu cả về lời nói và hành động”. Vì vậy, trong các phong trào của xóm, xã, ông luôn ủng hộ và nhiệt tình. Riêng việc xây nhà văn hóa xóm, ngoài việc tuyên truyền vận động, bản thân ông đã đóng góp, ủng hộ 5 triệu đồng, vận động con cháu, anh em trong họ góp hàng chục triệu đồng. Trước tấm lòng của ông, nhân dân đã tích cực ủng hộ, đóng góp và đạt được thành công ngoài sự mong đợi. Bên cạnh đó, đối với hoạt động của các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi…, ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm sát sao. Ông luôn động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tích cực tham gia phát triển kinh tế, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư vững mạnh. Vừa là Bí thư chi bộ, ông được tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Trên cương vị này, ông chú trọng kiện toàn tổ chức Hội, quản lý hội viên, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt. Làm Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, ông được hưởng khoản phụ cấp 800 nghìn đồng/tháng, ông trích 400 nghìn đồng để ủng hộ Quỹ hội, động viên phong trào Người cao tuổi của địa phương.
Bên cạnh công việc của chi bộ, của xóm, ông còn là một tuyên truyền viên nhiệt huyết. Ông thường xuyên viết bài tuyên truyền cho đài truyền thanh của xã nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, dân tộc. Các bài viết đều có gắn với quá trình lịch sử và thành tích của địa phương. Ngoài việc viết bài tuyên truyền, ông còn thường xuyên tham gia nói chuyện truyền thống với các cháu học sinh nhân các dịp kỷ niệm như Ngày Giải phóng miền Nam 30-4, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12… Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tìm hiểu lịch sử Quân khu 3; lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào… Ông còn tham gia biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Bắc giai đoạn 1930-2005”. Ngoài ra, ông được Hội Cựu chiến binh huyện Xuân Trường phân công tham gia viết cuốn Biên niên sự kiện Hội Cựu chiến binh huyện giai đoạn 1990-2016. Chia sẻ về quá trình viết các cuốn sách này, ông Hưởng cho biết: “Sau khi nghỉ hưu năm 2002, tôi đã giành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu về lịch sử quê hương với mong muốn và giúp cho thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử truyền thống của địa phương, nếu không sưu tầm, lưu trữ, tư liệu sẽ bị thất lạc”. Đặc biệt, từ những tài liệu lưu trữ này, ông đã tham mưu và trực tiếp đi xác minh giúp gia đình những người có công tìm tài liệu, chứng cứ hoàn thiện 11 hồ sơ đề nghị cấp trên xét công nhận “cán bộ lão thành cách mạng”, “cán bộ tiền khởi nghĩa” cho những người có công ở địa phương. Đến nay, đã có 9 hồ sơ có quyết định công nhận; trong đó có 4 đồng chí là liệt sĩ, 3 đồng chí được công nhận là người hoạt động cách mạng trước năm 1945.
“Tuổi hưu nhưng trí không hưu”, ông Lê Nguyên Hưởng thực sự là tấm gương người cao tuổi tiêu biểu, năng nổ nhiệt huyết trong các phong trào của địa phương, xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng./.
Thanh Tuấn