Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nam Trực đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, tăng cường củng cố tổ chức Hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên thông qua việc xây dựng các mô hình tạo sự gắn kết hội viên với tổ chức Hội.
Mô hình sinh hoạt được Hội LHPN huyện và cơ sở quan tâm tổ chức triển khai, duy trì là mô hình CLB, trong đó có hàng chục mô hình mới thu hút phụ nữ theo đặc thù của địa phương như: CLB phụ nữ hưu trí, Tổ phụ nữ cao tuổi, CLB nuôi con bằng sữa mẹ, CLB phụ nữ với nước sạch vệ sinh môi trường, CLB phụ nữ công chức, viên chức... Các CLB đều có nội dung sinh hoạt thiết thực, phù hợp với từng lứa tuổi nhằm trang bị cho chị em những kiến thức, kỹ năng sống phù hợp, giúp chị em hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều mô hình đã gắn kết hội viên, phụ nữ bằng những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng gia đình đạt các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, xây dựng NTM. Tiêu biểu như mô hình “Tổ hợp tác thu gom rác thải” tại xã Nam Hùng đã thu hút được 28 hội viên phụ nữ tham gia hoạt động thu gom ở 8 thôn xóm. Ngoài việc thu gom, vận chuyển rác, giải tỏa các điểm tồn lưu rác tại địa phương, Tổ hợp tác còn phối hợp tổ chức thực hiện các mô hình: “Tái sử dụng túi nilon”, “Dùng làn đi chợ”, “Xử lý rác thải tại hộ gia đình”... tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, từ đó tích cực thu gom, phân loại, xử lý rác tại nhà nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh. Còn tại xóm Đông Thành, thôn Liên Tỉnh, xã Nam Hồng, CLB “Dịch vụ nấu ăn” gồm 8 thành viên đã giúp chị em có thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. CLB định kỳ sinh hoạt 1 quý/lần. Thông qua các hoạt động của CLB, các thành viên còn được học tập, rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng NN và PTNN, gia đình chị Phan Thị Thúy Hà (xã Nam Cường) mở xưởng may tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. |
Cùng với các loại hình CLB, để thu hút tập hợp chị em phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn thường xuyên quan tâm đến các hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tích cực khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhiều mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương. Hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo 20/20 cơ sở phối hợp tổ chức khảo sát hộ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, xây dựng kế hoạch phân công chi hội giúp đỡ bằng vật tư, con giống, vốn vay không lãi suất. Các hoạt động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo; thăm và tặng quà cho phụ nữ đơn thân, hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xây dựng quỹ học bổng Hoàng Ngân tặng thưởng cho con em cán bộ, hội viên, phụ nữ vượt khó học giỏi… cũng đã tạo ra sự gắn bó giữa hội viên và tổ chức Hội. Tại xã Nam Cường, xác định rõ, để thu hút chị em tham gia sinh hoạt hội cần có nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, vì vậy, một trong những hoạt động được Hội Phụ nữ xã chú trọng là quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Hội Phụ nữ xã đã có nhiều giải pháp tích cực như: xây dựng mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; đẩy mạnh phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay; nhân rộng các mô hình kinh tế; chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ... Hội Phụ nữ xã đã triển khai có hiệu quả hoạt động tín chấp với Ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ quay vòng vốn, Quỹ TYM cho hội viên, nhân dân vay vốn. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý tổng số vốn trên 40 tỷ đồng, cho 1.131 hộ vay. Từ nguồn vốn được vay, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tiêu biểu như gia đình chị Hoa ở thôn Trung phát triển chăn nuôi lợn, gà; chị Cao Thị Phóng ở thôn Bơ phát triển nghề làm hương; chị Phan Thị Thúy Hà ở thôn Trai có xưởng may quần áo, thường xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, duy trì 21 nhóm tiết kiệm xoay vòng hằng tháng, giúp nhau số vốn gần 282 triệu đồng không lấy lãi…
Trước thực tế hiện nay, một số phụ nữ thu nhập không ổn định, phải đi làm ăn xa, phụ nữ trẻ vào làm việc tại các khu, CCN tăng nhanh, ít có thời gian tham gia các hoạt động của Hội. Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nam Trực tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội; xây dựng các mô hình mới, các CLB tập hợp, thu hút hội viên theo đặc thù, sở thích, đối tượng, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; quan tâm chăm lo đời sống phụ nữ. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2016-2021, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ về vốn, kiến thức; tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên mỗi năm tăng 1%./.
Bài và ảnh: Lam Hồng