Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; trong đó có 17 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 1 doanh nghiệp lữ hành nội địa kiêm quốc tế. Trong quá trình hoạt động, cơ bản các doanh nghiệp lữ hành đều tuân thủ các quy định của Luật Du lịch và văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động lữ hành của Bộ VH, TT và DL, của UBND tỉnh như: Thực hiện đúng ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, có phương án kinh doanh, có chương trình du lịch, lập hồ sơ đoàn khách... Để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động đúng định hướng, Sở VH, TT và DL đã thành lập các đoàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời các sai sót, vi phạm. Nhờ vậy, các doanh nghiệp lữ hành lâu năm của tỉnh như Cty CP Du lịch TASCO, Cty CP Du lịch Nam Định, Cty CP Thương mại và du lịch Thiên Ân... đều duy trì hoạt động bình ổn. Một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu đưa khách (chủ yếu là các đoàn học sinh) đến các khu, điểm di tích trong tỉnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều doanh nghiệp lữ hành còn bộc lộ những bất cập trong hoạt động. Do thị trường khá hẹp nên các doanh nghiệp có sự cạnh tranh quyết liệt bằng giảm giá tour nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Chị Phạm Hoài Anh ở đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định) cho biết, vừa rồi tôi có tham gia chuyến du lịch ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) do chi nhánh của một doanh nghiệp lữ hành Hà Nội mới mở ở Thành phố Nam Định thực hiện. Theo kế hoạch, doanh nghiệp trên sẽ đưa 70 người đi tham quan, nghỉ ở Bản Lác, Mai Châu và thăm Thủy điện Hòa Bình với chi phí 1,3 triệu đồng/người. Để phục vụ chuyến đi, doanh nghiệp cho 2 ô tô từ Hà Nội về đưa đón đoàn khách. Với phí nộp cao, tưởng du khách sẽ được tận hưởng những giây phút thoải mái của chuyến đi, nhưng do phải cắt giảm chi phí nên các hoạt động khá hạn chế. Đặc biệt, bữa ăn trưa ở khách sạn Hòa Bình không đầy đủ, chỉ lèo tèo vài đĩa thức ăn đơn giản, khiến nhiều du khách đói nên rất bức xúc. Còn chị Nguyễn Thanh Loan ở đường Mạc Thị Bưởi cho biết: “Dịp nghỉ lễ kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5 vừa qua, gia đình tôi đặt doanh nghiệp lữ hành ở Thành phố Nam Định đi du lịch Huế thời gian 4 ngày 3 đêm với giá tour rẻ hơn với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, khác với quảng cáo ban đầu, các dịch vụ mà doanh nghiệp này cung cấp đều chỉ ở mức trung bình, nhiều điểm du lịch trong chương trình bị cắt không lý do”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành tiếp nhận khách đăng ký, sau đó lại bàn giao khách cho các đối tác là doanh nghiệp lữ hành ở tỉnh ngoài mà không thực hiện việc kiểm tra, giám sát khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi. Do các doanh nghiệp lữ hành được thành lập, giải thể liên tục, thay đổi địa chỉ hoạt động nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng thực tế lại kinh doanh ở tỉnh khác. Hiện các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chỉ có khoảng 70% hướng dẫn viên được cấp thẻ hoạt động do cơ quan thẩm quyền cấp, còn lại chưa có thẻ. Có doanh nghiệp chỉ có 2-3 người, đến mùa du lịch thì ký thêm hợp đồng với một số lao động làm hướng dẫn viên, có nơi hướng dẫn viên kiêm kế toán, lái xe...
Du khách tham quan Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). |
Để chấn chỉnh hoạt động lữ hành, ngày 15-3-2017, Bộ VH, TT và DL đã ban hành Kế hoạch 1037/KH-BVHTTDL tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch. Theo đó, thời gian tới các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp lữ hành về việc tuân thủ quy định pháp luật trong lĩnh vực lữ hành; phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành các quy định mới, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về du lịch. Phát động chiến dịch chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành đảm bảo “chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng” tạo bước đột phá trong lĩnh vực lữ hành; tổ chức cho doanh nghiệp lữ hành cam kết kinh doanh đúng pháp luật, tạo môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Khảo sát, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, dịch vụ lữ hành chất lượng cao, đảm bảo an ninh, an toàn để cung cấp cho khách du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực quản lý lữ hành, điều hành tour của các đơn vị đào tạo du lịch, đặc biệt chú trọng yêu cầu hội nhập quốc tế trong đào tạo nhân lực du lịch. Tổ chức các chương trình đào tạo, các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý Nhà nước về lữ hành, hướng dẫn, quản lý doanh nghiệp, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Tăng cường giám sát chất lượng chuỗi dịch vụ đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ lữ hành cung cấp cho khách du lịch... Thực hiện Kế hoạch của Bộ VH, TT và DL, Sở VH, TT và DL đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành chấn chỉnh hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm những diễn biến hoặc xu hướng mới của đối tượng quản lý để có các biện pháp quản lý. Thực hiện chỉ đạo của Sở VH, TT và DL, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cần nhận thức rõ yêu cầu, trách nhiệm và vai trò của mình trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật; hưởng ứng và tham gia chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành và hướng dẫn du lịch; cam kết kinh doanh và hành nghề đúng pháp luật, có văn hóa, cạnh tranh lành mạnh. Tổ chức rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp; đề nghị cơ quan chức năng cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cho lao động có đủ điều kiện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng nghề và thái độ ứng xử văn minh cho đội ngũ nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nghiên cứu, khảo sát, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, dịch vụ lữ hành chất lượng cao, đảm bảo an ninh, an toàn, giá cả hợp lý góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách./.
Bài và ảnh: Đức Thiện