Tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế cần nhiều giải pháp đồng bộ

08:08, 08/08/2017
Hiện tại việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đang áp dụng 3 mức giá khác nhau cho các đối tượng: Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT; người bệnh không tham gia BHYT; người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đối với người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh được thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT, đang áp dụng mức giá theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Đối với người bệnh chưa tham gia BHYT, đang áp dụng mức giá quy định tại Thông tư 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH, Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC, Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đối với người bệnh khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đang áp dụng giá dịch vụ theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có tích lũy.
 
Ngày 15-3-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, có hiệu lực từ 1-6-2017. Theo quy định tại Thông tư 02, có 1.916 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá. Điểm khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng, còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Như vậy khoản tiền người khám chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Thông tư 02 cũng quy định đến hết năm 2017 phải thực hiện mức giá này trên phạm vi cả nước. Tại các địa phương, thời điểm áp giá mới sẽ do HĐND các địa phương quy định, kể cả bệnh viện bộ, ngành từ hạng 2 trở xuống. HĐND các địa phương có thể quy định giá mới bằng hoặc thấp hơn mức giá tối đa. 
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hưng.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hưng.
Hiện tại số người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 76,3% dân số, như vậy tỉnh ta hiện còn 23,7% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, tỷ lệ còn cao so với bình quân chung của cả nước (là 20%). Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ có tác động rất lớn đối với các bệnh nhân không tham gia BHYT. Thực hiện Thông tư 02, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Đề án quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Theo lộ trình, tỉnh ta sẽ thực hiện mức giá dịch vụ khám chữa bệnh từ ngày 1-12-2017. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành Y tế và các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua thẻ BHYT để được chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Sở Y tế, BHXH tỉnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và nắm được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là: Xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước; Chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Việc điều chỉnh giá dịch vụ đối với bệnh nhân không có BHYT không phải là làm khó người bệnh, mà tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia BHYT toàn dân, đề phòng những bất trắc về sức khỏe. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến người thuộc hộ nghèo, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, về cơ bản chi phí khám bệnh, chữa bệnh được BHYT thanh toán. Hiện tại Sở Y tế đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cụ thể như công khai bảng giá dịch vụ để người bệnh biết; chủ động sử dụng ngân sách được giao và nguồn thu, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh; điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám, không để người bệnh chờ lâu; mua sắm bổ sung bàn, ghế, giường tủ, các trang thiết bị của buồng bệnh, thay thế các trang thiết bị, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh, cải tiến khâu thu, thanh toán viện phí để giảm thời gian chờ đợi. Cải tiến khu vực đón tiếp, bố trí nhân viên hướng dẫn người bệnh và người nhà làm các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức tập huấn, thực hiện theo đúng quy trình chẩn đoán và điều trị. Đẩy mạnh đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức tập huấn việc tính và thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho đến tất cả cán bộ liên quan để thu đúng theo các quy định.
 
Thông tư 02 với việc giá dịch vụ y tế tăng, người không có thẻ BHYT sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh; đặc biệt là người có mức thu nhập thấp, khi không may đau ốm hoặc mắc các bệnh có chi phí điều trị tốn kém, điều trị dài ngày sẽ khó có thể tự chi trả viện phí nếu chi phí các dịch vụ khám chữa bệnh quá cao... Do vậy, khi tăng giá dịch vụ y tế, người dân nên tham gia BHYT để được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giảm gánh nặng cho gia đình. Các cơ sở khám chữa bệnh cần cải cách quy trình thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho người dân đi đôi với việc cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được hưởng một sự phục vụ tương xứng và bảo đảm yếu tố an sinh xã hội./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com