Với chính sách thu hút vốn đầu tư FDI nên số lượng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Công tác quản lý đối với lao động người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, vừa giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Người nước ngoài làm việc tại Cty TNHH Longyu Việt Nam (Nam Trực). |
Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, toàn tỉnh hiện có 67 đơn vị có sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc, với tổng số 612 lao động chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á như: Trung Quốc 400 người, Hàn Quốc 82 người, Đài Loan 32 người, Phi-líp-pin 30 người, số còn lại mang các quốc tịch: Hồng Kông, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Băng-la-đét, Ấn Độ, Anh, Đức, Mỹ... Các lao động người nước ngoài thường đảm nhiệm các vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia kỹ thuật. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có thêm 288 lao động nước ngoài, trong đó có 46 lao động không thuộc diện phải cấp phép (gồm 4 người là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc thành viên hội đồng quản trị và 42 người là chuyên gia, lao động kỹ thuật làm việc với thời hạn dưới 30 ngày sang hỗ trợ lắp đặt máy móc, hướng dẫn nghiệp vụ) và 242 người thuộc diện cấp phép. Các doanh nghiệp, tổ chức đã làm thủ tục và được Sở LĐ-TB và XH, Ban quản lý các KCN tỉnh thẩm định, cấp và cấp lại giấy phép lao động cho 225 người (chiếm 92,97%), trong đó 53 người đã trả lại giấy phép lao động. Ông Trần Xuân Quyết, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Công tác quản lý, cấp phép cho lao động là người nước ngoài đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐ-TB và XH, Công an, cơ quan ngoại vụ, Ban quản lý các KCN tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước đến tất cả các doanh nghiệp đã và sẽ có nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, chính quyền các địa phương, nhằm tránh các hành vi vi phạm do người nước ngoài gây ra tại nơi cư trú, lao động. Sở LĐ-TB và XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài theo định kỳ, thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp phép cho lao động người nước ngoài theo đúng quy định. Sở LĐ-TB và XH và Ban quản lý các KCN tỉnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh đăng ký với cơ quan chức năng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và giải trình khi thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận cho 13 lượt doanh nghiệp được sử dụng 136 người lao động nước ngoài làm việc tại các vị trí mà lao động trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Hằng năm, tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất việc sử dụng lao động nước ngoài ở các doanh nghiệp để có giải pháp điều chỉnh, quản lý phù hợp. Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng người nước ngoài đã cơ bản chấp hành tốt các quy định về tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài như: Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hoặc giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người nước ngoài làm việc tại đơn vị. Thực hiện cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động và nộp phí theo quy định của pháp luật. Đảm bảo thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép lao động về chức danh công việc, chuyên môn, nơi làm việc. Thực hiện chỉ ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động... Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài được các doanh nghiệp chấp hành đảm bảo quy định hiện hành. Tuy nhiên qua kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã phát hiện 17 lao động nước ngoài làm việc tại 7 doanh nghiệp nhưng chưa được cấp phép (trong đó 11 trường hợp của Cty TNHH Geu-lim Culture and Fashion, Cty TNHH Enter.B Nam Định, Cty Thủy sản Lenger Việt Nam, Cty TNHH một thành viên Công nghiệp Tân Việt, Cty CP Giáo dục và truyền thông sức sống Việt, Cty CP Giáo dục và đào tạo quốc tế Sydney và Chi nhánh Cty CP Đầu tư giáo dục Ortus Việt Nam tại Nam Định; Cty TNHH Yamani Dynasty 6 người). Việc chấp hành chế độ báo cáo với Sở LĐ-TB và XH về tình hình sử dụng lao động người nước ngoài của một số đơn vị còn chưa nghiêm túc, đặc biệt đối với những lao động làm việc có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 1 năm. Trước thực trạng này, Sở LĐ-TB và XH đã đôn đốc và yêu cầu các đơn vị phải sớm hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép cho người nước ngoài theo đúng quy định, nếu không thực hiện thì số lao động này sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài theo quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động Việt Nam với các hình thức phong phú, phù hợp để người sử dụng lao động và lao động nước ngoài hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo đúng quy định. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng để quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện những sai phạm để hướng dẫn khắc phục; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm./.
Bài và ảnh: Minh Tân