Nhằm tăng cường mối quan hệ và trao đổi thông tin giữa gia đình học sinh và nhà trường, hằng năm, các trường phổ thông đều tổ chức từ 2 đến 3 buổi họp phụ huynh để giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Tuy nhiên trên thực tế các buổi họp phụ huynh hiện nay vẫn chưa đem lại những hiệu quả thiết thực.
|
Các em học sinh Trường THCS Giao Tân (Giao Thủy) trước thềm năm học mới. |
Tại cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, trình tự của các buổi họp bao giờ cũng là việc giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới, chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của từng học sinh. Phần tiếp theo được các phụ huynh trật tự lắng nghe nhất là việc công bố những khoản thu theo quy định chung của nhà trường cùng những khoản “xã hội hoá” khác. Cuối mỗi buổi họp, giáo viên chủ nhiệm sẽ trực tiếp thu các khoản tiền từ phụ huynh. Thời gian dành cho mỗi cuộc họp phụ huynh thường chỉ được “gói gọn” trong khoảng 120 phút. Với chừng ấy nội dung công việc, khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp là rất hạn chế. Chị Trần Thanh Thoa, có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định tâm sự: Nhiều năm đi họp phụ huynh cho con, tôi thấy phụ huynh thường quan tâm nhiều hơn đến các khoản đóng góp, bởi ngoài những khoản đóng góp theo quy định, nhà trường còn có nhiều khoản thu “phần mềm” ngoài quy định. Dưới cái mác “tự nguyện” hay “thỏa thuận’’, các khoản thu đã được liệt kê chi tiết, rõ ràng, bao gồm tiền quỹ lớp để lo lễ, tết cho các thầy cô, tiền mua tặng phẩm tặng nhà trường nhân dịp năm học mới, tiền mua ti vi mới cho học sinh, tiền chăn màn, tiền lắp điều hòa, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền giấy phô tô bài tập, bài kiểm tra… với số tiền thu không hề nhỏ. Việc này khiến buổi họp trở nên “rôm rả”. Nhiều phụ huynh cũng cho biết, ở các buổi họp, khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp là rất hạn chế. Bởi, kết quả học tập của học sinh đã được gia đình cập nhật qua bảng điểm và sổ liên lạc; vả lại việc nhận xét của giáo viên chủ nhiệm đối với từng học sinh cũng chỉ mang tính khái quát, chỉ xoáy vào số ít những học sinh cá biệt. Các bậc phụ huynh cũng không có đủ thời gian để có thể trình bày hết được những ý kiến, đề xuất của cá nhân để phối hợp, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của con em mình. Tình trạng cuộc họp chỉ diễn ra “một chiều” tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe là khá phổ biến. Bên cạnh đó, lớp học nào cũng có chi Hội phụ huynh học sinh nhưng hầu như vai trò của tổ chức Hội phụ huynh học sinh trong các cuộc họp phụ huynh còn khá mờ nhạt, chưa phát huy hết khả năng, hiệu quả. Vai trò của trưởng ban đại diện với tư cách là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh, cũng như “cầu nối” với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường còn mờ nhạt và bị xem nhẹ. Thực tế trước mỗi cuộc họp, đại diện Hội phụ huynh đã được nhà trường mời họp trước để quán triệt việc thực hiện các khoản tiền theo quy định nói chung, các khoản “tự nguyện” nói riêng để vận động phụ huynh thực hiện. Và dĩ nhiên, không ai muốn giáo viên “để ý” đến con mình, nhất là khi những phụ huynh phản đối đến cùng việc thu chi của nhà trường... Trong khi đó, nhiều khoản lạm thu vô lý chắc chắn không phải chỉ do các bậc phụ huynh nghĩ ra mà trước khi quyết định “tự nguyện’’ đóng góp phải thông qua sự đồng thuận của nhà trường. Vì vậy, nhiều phụ huynh đi dự họp trong tâm thế chỉ để nghe phổ biến các khoản tiền nộp và quy định về thời gian nộp; mong cho cuộc họp mau chóng kết thúc để nộp tiền rồi… về.
Năm học mới đã đến gần! Để phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục học sinh qua những buổi họp phụ huynh, các nhà trường cần cải tiến nội dung các cuộc họp theo hướng tập trung vào việc thảo luận, bàn bạc các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, để sau khi kết thúc mỗi cuộc họp, phụ huynh phải nắm được tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình. Bên cạnh đó, vai trò của chi hội trưởng Hội phụ huynh cũng cần được thể hiện rõ nét và thiết thực hơn trong các cuộc họp, nhất là khi đưa ra bàn bạc, thống nhất các khoản đóng góp tự nguyện. Những vấn đề như: đạo đức học sinh, phương pháp học tập tại nhà, ý thức học tập trên lớp, nhất là vấn đề trang bị kỹ năng sống cho học sinh cần được đưa ra trao đổi nhiều hơn trong mỗi cuộc họp, để giúp cho các em không chỉ có kết quả học tập tốt mà còn sớm hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống để trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh