Những năm qua, các ngành quản lý Nhà nước về thực phẩm gồm: Y tế, NN và PTNT, Công thương đã tăng cường tuyên truyền giáo dục, tạo chuyển biến thực sự về hành vi ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP), góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chất lượng vệ sinh ATTP.
|
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể Cty TNHH Yamani Dynasty, CCN Nam Hồng (Nam Trực). |
Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến kiến thức về đảm bảo ATTP; nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng, chống sự cố về ATTP; thông tin về các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn; việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, xử lý đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Đối tượng truyền thông gồm: người tiêu dùng thực phẩm; người quản lý, điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Công tác truyền thông về ATTP diễn ra với nhiều hình thức phong phú như: Thông qua Báo
Nam Định, Đài
PT-TH tỉnh; hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, NN và PTNT, các đoàn thể... Công tác tuyên truyền tập trung cao độ vào thời điểm trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… tại các khu dân cư. Ngoài ra, các ngành chức năng còn cung cấp thông tin cho báo chí tại các buổi giao ban báo chí định kỳ, cho đội ngũ báo cáo viên... Trong 6 tháng đầu năm 2017 Ban chỉ đạo ATVSTP các cấp đã tổ chức 1 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP với 150 người tham dự, 15 buổi nói chuyện tại tuyến huyện với 2.600 lượt người tham dự, 68 buổi nói chuyện tại tuyến xã với 7.820 lượt người tham dự; tổ chức 72 buổi tập huấn từ tuyến tỉnh xuống cơ sở với 2.820 lượt người tham gia, tổ chức 3.435 buổi phát thanh ở tuyến xã, 310 buổi phát thanh tuyến huyện và 10 buổi phát thanh tuyến tỉnh, cung cấp hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa âm giáo dục truyền thông về công tác ATTP. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017, các ngành đã tích cực phối hợp tổ chức được 45 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP với tổng số 4.500 lượt người nghe, 43 lớp tập huấn cho 2.300 người, 38 hội nghị từ tỉnh đến xã với 2.090 người dự, treo 1.075 băng rôn, khẩu hiệu, phát 1.000 tranh, áp phích, 5.600 tờ gấp cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm, đăng hàng trăm tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và của tỉnh… Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về công tác ATTP. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017 trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ NĐTP tập thể. Qua khảo sát, ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chú ý cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm có điều kiện cơ sở bị ô nhiễm bởi môi trường xung quanh đã giảm từ 54% (cuối năm 2012) xuống còn 13% hiện nay. Số người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu biết các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được nâng lên. Theo số liệu điều tra mới nhất của Chi cục ATVSTP tỉnh, tỷ lệ người hiểu biết đúng VSATTP của người sản xuất thực phẩm tăng từ 79,8% lên 83,3%, tỷ lệ hiểu biết đúng của người kinh doanh thực phẩm tăng từ 81,6% lên 85%, tỷ lệ hiểu biết đúng của người tiêu dùng tăng từ 80,5% lên 83,8%, tỷ lệ hiểu biết đúng của người quản lý tăng từ 86,4% lên 90%; tỷ lệ thực hành đúng VSATTP của người sản xuất thực phẩm tăng từ 66,7% lên 69,5%, tỷ lệ thực hành đúng của người kinh doanh thực phẩm tăng từ 66,4% lên 69,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra qua quá trình thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đều cho thấy các cơ sở đều chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, cơ sở vi phạm đã chấp nhận việc xử lý những sai phạm và sửa chữa khắc phục các lỗi về vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP theo quy định.
Tuy nhiên, công tác giáo dục truyền thông về ATTP vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, do kinh phí phục vụ tuyên truyền còn khó khăn; chưa có sự “vào cuộc” quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương… Từ thực trạng trên, trên cơ sở lĩnh vực được phân công quản lý, thời gian tới các ngành chức năng tiếp tục xây dựng nội dung tuyên truyền về ATTP cho các đối tượng, xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống NĐTP như phòng chống ngộ độc rượu, rau, thịt, thủy sản; ATTP mùa lũ lụt; ATTP mùa lễ hội; phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm; ATTP thức ăn đường phố; tuyên truyền xây dựng các mô hình điểm về ATTP khu vực lễ hội, làng nghề… mô hình chợ an toàn... Tăng cường giáo dục truyền thông gắn với việc in ấn các tài liệu truyền thông, cung cấp tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến kiến thức về ATTP qua đội tuyên truyền cơ động, tập huấn đào tạo kỹ năng truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên… Việc tăng cường giáo dục truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đối tượng trong lĩnh vực đảm bảo ATTP, tích cực phòng chống NĐTP./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận