Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) tổ chức liên hoan “Trải nghiệm - sáng tạo” đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của học sinh trong trường. Các em khối 4 và khối 5 tham gia các nội dung: Tuyên truyền văn hóa đọc, biểu diễn hoạt cảnh, tranh luận và tìm hiểu kiến thức các môn học. Qua các hoạt động này, các em đã có cơ hội để thể hiện năng khiếu và sự hiểu biết của mình không chỉ ở các môn học như Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý... mà còn ở các lĩnh vực khác như: an toàn giao thông, an toàn trường học, cách ứng xử khi gặp các tình huống trong cuộc sống hằng ngày, lĩnh vực nghệ thuật... Đây là sân chơi bổ ích, lý thú tạo cơ hội để các em thể hiện năng lực của bản thân và giúp các em có kỹ năng hợp tác tập thể, giải quyết tốt những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định) trong một buổi dã ngoại trải nghiệm tại khu du lịch Núi Ngăm (Vụ Bản). |
Liên hoan phát triển năng lực cho học sinh là một trong những nội dung chỉ đạo của Sở GD và ĐT đối với các nhà trường, các Phòng GD và ĐT trong năm học vừa qua nhằm tạo cho học sinh một sân chơi mới, phát huy tối đa năng lực, sở trường, tạo không khí sôi nổi hăng say học tập toàn diện cho học sinh trong các trường tiểu học. Trong những năm qua, nhằm phát hiện và phát huy mọi khả năng riêng biệt của mỗi học sinh, giúp các em định hướng, khám phá và phát triển tối đa năng lực của bản thân, ngành GD và ĐT đã tập trung đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà trường, tăng cường kiểm tra công tác giảng dạy, cải tiến phương pháp dạy học sao cho mỗi tiết học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ dùng dạy học một cách linh hoạt và khoa học, tạo cho học sinh kỹ năng quan sát, tư duy hình ảnh, động não... đã góp phần đưa các tiết học đạt hiệu quả hơn. Ví dụ như trong giờ kể chuyện, thông qua các phương pháp giảng dạy như đưa các hình ảnh minh họa, kể truyện bằng tranh, khuyến khích học sinh sắm vai, kể chuyện… các em sẽ như thấy mình hòa nhập vào nhân vật từ đó hứng thú với cách giải quyết vấn đề nên dễ dàng nắm được kiến thức và nhớ lâu. Phương pháp giảng dạy này còn rèn luyện và phát huy tính sáng tạo và cảm nhận về văn học cho các em, từ đó hình thành năng lực kể chuyện, bồi dưỡng tâm hồn, vốn sống và năng lực văn học, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh cho tâm hồn học sinh tiểu học. Khi học môn kể chuyện, việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực, học sinh còn được tích luỹ vốn văn học, mở rộng vốn sống, rèn luyện và phát triển kỹ năng nói và kể trước đám đông một cách có nghệ thuật, khơi dậy tư duy hình tượng cho các em. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT tỉnh cũng đẩy mạnh các phương pháp dạy học tích cực, đưa phương pháp “bàn tay nặn bột”, vận dụng mô hình trường học mới (VNEN) vào việc dạy và tổ chức lớp học, trong đó giáo viên đã tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ phía giáo viên sang học sinh theo hình thức tự học là chính, đồng thời phát huy tối đa năng lực tư duy, sáng tạo, vận dụng kiến thức của các em. Riêng với phương pháp “bàn tay nặn bột”, đa số học sinh đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo; phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết…, góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã đưa các hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ cho học sinh học tập ngoại ngữ như: dạy học tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, khuyến khích học sinh đọc và kể chuyện bằng tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, thi học sinh giỏi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế… Với nhiều hình thức phong phú, đã giúp các em học ngày càng tốt hơn môn tiếng Anh trong nhà trường. Không chỉ chú trọng nâng cao năng lực cho học sinh thông qua việc giáo dục kiến thức văn hóa, các trường tiểu học còn hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục thể chất cho các em. Ngoài việc giảng dạy thể dục chính khóa, nhiều trường còn tạo sân chơi cho các em thông qua hoạt động đội, nhóm như bóng đá, võ thuật, bơi lội, văn nghệ... Đồng thời các trường cũng tích cực đẩy mạnh việc xây dựng vườn trường, góc thiên nhiên trong lớp học, giúp học sinh yêu mến và gần gũi với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng các biện pháp phát triển năng lực là điều rất cần thiết đối với học sinh tiểu học, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn và tích cực tham gia vào hoạt động của nhà trường, được bày tỏ ý kiến, tăng cường vận dụng kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn; đồng thời cũng góp phần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong các nhà trường./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh