Tại Trường THCS Quang Trung (Vụ Bản), với hình thức trao đổi, giải đáp các câu hỏi của giáo viên, học sinh về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cán bộ Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh (Sở Y tế) đã cung cấp các kiến thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, 25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá, đặc biệt là bệnh ung thư phổi, ung thư thực quản, các bệnh tim mạch...; những tổn thất về kinh tế do việc hút thuốc lá gây nên; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, một số điều trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Qua buổi nói chuyện, tập thể cán bộ, giáo viên và 340 học sinh nhà trường có nhận thức đầy đủ tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực hiện nghiêm túc việc không hút thuốc tại nơi làm việc, hướng tới xây dựng một môi trường xanh, sạch, không khói thuốc trong trường học. Từ đầu năm 2017 đến nay, bên cạnh hình thức tuyên truyền bằng nói chuyện chuyên đề, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế 10 huyện, thành phố tổ chức các hội thi tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá theo hình thức sân khấu hóa tại các cơ sở giáo dục. Tiêu biểu là ngày 25-3-2017, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu phối tổ chức hội thi “Tìm hiểu kiến thức về phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh” tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Hải Hậu). Hội thi có sự tham gia của các cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường, trong đó 6 đội thi bao gồm 42 học sinh trực tiếp tham gia, trải qua các phần thi: Thi lý thuyết (bằng hình thức bốc thăm trả lời câu hỏi và thi trắc nghiệm), thi hùng biện cá nhân và phần thi tài năng. Cô Trần Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 cho biết: Học sinh nhà trường thường xuyên được tuyên truyền và có kiến thức khá đầy đủ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, một số nội dung cơ bản trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và lợi ích của một môi trường không có khói thuốc. Các thí sinh được chọn tham dự cuộc thi có phong cách tự tin, khả năng thuyết trình tốt, thể hiện được những suy nghĩ riêng của mình về tác hại của thuốc lá đối với cuộc sống, trách nhiệm của mỗi người và của mỗi học sinh trong việc truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá đến cộng đồng, kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường sống trong lành. Sau hội thi, mỗi học sinh không chỉ có thêm kiến thức để bảo vệ mình tránh xa khói thuốc lá, mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và cộng đồng để hiểu được những tổn thất do sử dụng thuốc lá gây ra, xây dựng môi trường trong lành không có khói thuốc. Thầy giáo Bùi Quang Tiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của ngành GD và ĐT về chương trình phòng chống tác hại thuốc lá năm 2017, với cam kết thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc, thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh tổ chức buổi “Nói chuyện sức khỏe chuyên đề phòng chống tác hại thuốc lá” cho các cán bộ, viên chức, công chức, giáo viên, học sinh của trường, với các nội dung về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, đặc biệt một số bệnh thường xảy ra do hút thuốc lá như ung thư phổi, ung thư thực quản, các bệnh tim mạch…, một số vấn đề trọng tâm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và lợi ích của xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc,… Nhà trường đã tăng cường công tác truyền thông đến các cán bộ, viên chức, công chức, giáo viên và học sinh như: Đưa các nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của trường; vận động các cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường thực hiện nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thời gian qua, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh chú trọng công tác truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời phối kết hợp với các đơn vị trong ngành như: Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện truyền thông một số chương trình mục tiêu quốc gia như: Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika, hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho đối tượng 16-17 tuổi, chiến dịch truyền thông “hành trình 10 triệu bàn tay sạch”, hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển năm 2016, hưởng ứng Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2016, hưởng ứng cuộc thi kể chuyện bằng hình ảnh “Có con gái thật tuyệt”, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới. Trong 6 tháng năm 2017, Trung tâm đã tổ chức 1.390 buổi nói chuyện sức khỏe, 80 buổi truyền thông lưu động, 1.173 buổi thảo luận nhóm, tư vấn sức khỏe cho 20.856 lượt người. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2017, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong ngành và ngoài ngành cũng như các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh làm tốt công tác truyền thông tập trung vào các chủ đề: Tháng hành động về chất lượng ATTP (15-1 đến 15-2), Ngày Thế giới phòng chống ung thư (4-2), Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động (15 đến 21-3), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Nước sạch Thế giới (22-3), Ngày Thế giới phòng chống Lao (24-3), Ngày hiến máu nhân đạo (7-4), Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25-4), Ngày Hen toàn cầu (tuần 1 tháng 5), Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường (12 đến 15-7), Ngày Thế giới phòng chống thuốc lá (31-5)… góp phần ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xảy ra. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ thu thập thông tin, viết tin, bài về hoạt động của các đơn vị trong ngành để kịp thời xuất bản cuốn Bản tin Sức khỏe Nam Định. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Ban quản lý Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng để truyền thông về BHYT. Trong đó, Trung tâm đã tổ chức tập huấn truyền thông về BHYT với 11 lớp với 473 học viên cho các bệnh viện; phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Nam Trực tổ chức 150 hội thi tìm hiểu về BHYT tại 30 xã, thị trấn.
Đồng chí Nguyễn Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông GDSK, từ nay đến cuối năm 2017, Trung tâm phấn đấu tổ chức 2.455 buổi nói chuyện sức khỏe, 200 buổi truyền thông lưu động, 2.500 buổi thảo luận nhóm, tư vấn sức khỏe cho 38 nghìn lượt người. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về truyền thông GDSK cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông tuyến cơ sở. Chú trọng công tác truyền thông phổ biến kiến thức để người dân chủ động phối hợp với ngành y tế chăm sóc sức khỏe cá nhân và cộng đồng về các chủ đề: phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống HIV/AIDS; chăm sóc sức khỏe sinh sản; dân số - KHHGĐ; an toàn thực phẩm; thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe; lợi ích của việc tham gia BHYT; phòng, chống tác hại của thuốc lá… Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh. Đổi mới nội dung và đa dạng hóa các loại hình truyền thông để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao. Xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông như: tờ rơi, pa nô, áp phích, băng rôn, đĩa phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương để cung cấp cho người dân và thực hiện các hoạt động truyền thông./.
Việt Thắng