Được dự vòng sơ khảo Hội thi báo cáo viên giỏi cấp huyện năm 2017 của huyện Vụ Bản vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi cảm nhận được hiệu quả thiết thực của Hội thi đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng. Tham dự Hội thi, các báo cáo viên đã tham gia 3 phần thi: soạn đề cương, thi thuyết trình và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Với nội dung tập trung vào 2 chuyên đề: những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nội dung dự thi được các báo cáo viên đầu tư công sức, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về đề cương nên các phần thi đều được ban giám khảo đánh giá cao. Đồng chí Đặng Văn Nghiêm, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vụ Bản cho biết: “Hội thi báo cáo viên giỏi là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên. Đồng thời đây cũng là dịp để các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền miệng góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Qua đó phát hiện, lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu bổ sung cho lực lượng báo cáo viên cấp huyện”.
|
Báo cáo viên cấp tỉnh tham quan, tìm hiểu thực tế ở Sở KH và CN. Ảnh: Do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp |
Xác định công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên là cầu nối để tuyên truyền sâu rộng các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, những năm qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã bám sát Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tuyên truyền miệng đi vào nề nếp, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền… từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở Đảng bộ tỉnh. Theo đó, cấp ủy các cấp đã tập trung làm tốt công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp theo hướng tinh gọn, chú trọng năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn. Sau mỗi kỳ đại hội Đảng bộ, các cấp ủy đều kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, giao cho Ban Tuyên giáo cấp ủy giúp cấp ủy quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động của đội ngũ báo cáo viên của Đảng bộ; kịp thời tham mưu cho cấp ủy kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 4 báo cáo viên cấp Trung ương, 48 báo cáo viên cấp tỉnh, 414 báo cáo viên cấp huyện và trên 500 tuyên truyền viên các cấp. Trong đó, 100% các đồng chí báo cáo viên cấp Trung ương và báo cáo viên cấp tỉnh có trình độ đại học và trên đại học, 100% có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; đội ngũ báo cáo viên cấp huyện có 256/414 (đạt tỷ lệ 61%) có trình độ đại học trở lên, 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. Cấp ủy các cấp cũng đã thường xuyên quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền miệng, xử lý tài liệu, biên soạn đề cương, kỹ năng trình bày bài nói... Trong những năm qua, cấp tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng; cấp huyện đã tổ chức được hơn 60 hội nghị tập huấn. Đồng thời, đội ngũ báo cáo viên còn được quan tâm, tạo điều kiện về phương tiện hoạt động như: máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm; cung cấp tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng: Tạp chí
Báo cáo viên, Bản tin Thông tin nội bộ, Báo
Nam Định. Định kỳ hằng tháng, báo cáo viên các cấp được họp để cung cấp thông tin, tài liệu chuyên đề, đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các cấp biên soạn; được tham dự một số hội nghị do cấp ủy tổ chức để nắm thông tin..., từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Cùng với việc làm tốt công tác củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cấp ủy các cấp còn tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Trên cơ sở tiếp thu thông tin do Hội nghị báo cáo viên cấp trên cung cấp, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình cụ thể của địa phương, cấp ủy các cấp chú trọng lựa chọn và tuyên truyền những nội dung phù hợp thiết thực, hiệu quả. Trước những vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm hoặc những vấn đề nổi cộm, mới phát sinh thu hút sự quan tâm của nhiều người, có nhiều luồng dư luận khác nhau..., các cấp ủy đã chủ động, kịp thời tổ chức hội nghị để cung cấp thông tin chính thống và tuyên truyền theo định hướng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó, hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền miệng cũng đã được đổi mới theo hướng vừa phát huy phương pháp truyền thống, vừa kết hợp đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phương pháp tuyên truyền miệng. Thời gian gần đây phương pháp công tác tuyên truyền miệng trong tỉnh được đổi mới khá đa dạng, phong phú, không chỉ sử dụng phương pháp độc thoại, tuyên truyền một chiều mà được thực hiện mềm mại hơn thông qua việc tổ chức các hội nghị trao đổi, đối thoại, tọa đàm, giao lưu, tổ chức các hội thi. Đặc biệt là các cấp ủy trong tỉnh đã phát huy khá tốt vai trò của đồng chí Bí thư và Thường trực cấp ủy trong việc chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt nội dung thông tin, nghị quyết tại địa phương, đơn vị. Vì vậy, việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng nói chung và việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói riêng, nhất là việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết ở trong tỉnh nghiêm túc và có chuyển biến rõ rệt.
Với các biện pháp đồng bộ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã góp phần đưa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thông tin kịp thời, có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, tình hình trong tỉnh; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị lớn, các mục tiêu, dự án của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ các cấp. Mặt khác, công tác tuyên truyền miệng đã tích cực góp phần làm tốt công tác đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào thi đua, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi các phong trào, các nhiệm vụ.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên theo hướng thiết thực, phù hợp, hiệu quả, hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở./.
Thu Thuỷ