Thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và có kế hoạch giúp đỡ về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề và tư vấn việc làm... để chị em vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm (2011-2016), các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tổ chức 38 lớp dạy nghề, truyền nghề mây tre đan, dệt lưới cước, thêu ren, đính hạt cườm, may công nghiệp... cho 7.880 hội viên; hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho trên 600 hội viên, phụ nữ có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Hội Phụ nữ các xã, thị trấn còn tổ chức 229 buổi nói chuyện chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa và cây trồng cho 72.399 lượt hội viên, phụ nữ. Qua đó, hội viên đã ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Hội Phụ nữ các cấp cũng đã chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế.
Nghề may công nghiệp giúp nhiều phụ nữ xã Hải Hưng có thu nhập ổn định. |
Hiện nay Hội đang quản lý vốn uỷ thác của Ngân hàng CSXH và mở rộng hoạt động của Quỹ TYM với tổng nguồn vốn trên 143 tỷ đồng cho 17.086 hộ vay. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng tới sản xuất thực phẩm sạch, Hội LHPN huyện đã tổ chức cho 60 cán bộ, hội viên và nông dân đi tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi không rác thải (mô hình nuôi giun quế) và mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) và Duy Tiên (Hà Nam). Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển và Trung tâm phát triển nông thôn bền vững tổ chức 10 lớp tập huấn cho các hộ gia đình hội viên về cách làm việc nhóm, lập kế hoạch sản xuất, mô hình chăn nuôi không rác thải, cách trồng và chăm sóc rau sạch, kỹ thuật nuôi giun quế và hướng dẫn cách làm chế phẩm phòng trừ sâu bệnh bằng thảo mộc. Đến nay nhiều xã đã triển khai mô hình nuôi giun quế với hàng trăm người nuôi giun, thành lập được các nhóm tiết kiệm nhằm tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Hội LHPN huyện đề xuất và được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, đã thành lập “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế trong chăn nuôi, trồng trọt góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ” tại xã Hải Sơn với 26 thành viên tham gia. Để khuyến khích, động viên chị em, Hội Phụ nữ huyện đã hỗ trợ cho các hội viên đi đầu trong việc nuôi giun quế vay vốn với mức vay mỗi hộ từ 10-15 triệu đồng. Mô hình đã giúp các chị làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn gồm thịt lợn, thịt gà, ngan, vịt, các loại trứng và rau màu. Việc sử dụng giun quế trong chăn nuôi cũng đã giảm đáng kể chi phí mua thức ăn cho gia súc gia cầm, nhờ đó thu nhập của các hội viên ổn định hơn. Tại xã Hải Lộc, những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ đã đưa vào canh tác một số giống cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh như đinh lăng, dây thìa canh mang lại giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, thời gian đầu, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ, máy móc, thiết bị chưa được đầu tư; kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu chưa nghiêm ngặt và đảm bảo yêu cầu nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường chưa cao, hiệu quả thấp, đầu ra chưa ổn định. Từ chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, từ tháng 7-2014, HTX trồng cây dược liệu được thành lập, thu hút 30 xã viên là cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tổng diện tích canh tác là 150 sào chủ yếu là trồng cây dây thìa canh. Trung ương Hội hỗ trợ máy sấy dược liệu với tổng trị giá 90 triệu đồng; Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng mua phân bón, đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên về quy trình, kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến theo công nghệ VietGap. Tham gia HTX trồng cây dược liệu, cán bộ, hội viên phụ nữ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn quỹ tiết kiệm, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi. Hội viên còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón, xây dựng hệ thống cọc chống, đỡ, giàn lưới… Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hiệu quả cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Mô hình HTX trồng cây dược liệu đã hỗ trợ hàng chục hội viên phụ nữ có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Với việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,83%.
Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu tiếp tục phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi giun quế, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trồng cây dược liệu và tổ phụ nữ liên kết trong chăn nuôi, trồng trọt. Phấn đấu hằng năm có 100% trở lên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo; hỗ trợ vật tư, con giống cho 90-105 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, phấn đấu mỗi cơ sở Hội giúp được 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, duy trì nghề truyền thống và dạy nghề mới cho 400-450 lao động nữ./.
Bài và ảnh: Lam Hồng