Hội CCB huyện Xuân Trường hiện có 9.296 hội viên, sinh hoạt tại 321 chi hội cơ sở. Những năm qua, Hội CCB huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Các cấp Hội CCB trong huyện đã thường xuyên tuyên truyền, vận động khơi dậy ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của mỗi hội viên. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh tăng vụ, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất và công tác quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả cho hàng nghìn lượt hội viên CCB. Hội CCB huyện đã tiến hành khảo sát tình hình đời sống và nhà ở của hội viên, xác định chỉ tiêu tỷ lệ hộ CCB nghèo để có kế hoạch giúp đỡ; đồng thời huy động nguồn lực tại chỗ để gây quỹ, giúp đỡ hội viên vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, Hội CCB huyện đang quản lý 65 tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư nợ bình quân hằng năm khoảng 33 tỷ đồng, trong đó có 1.350 hộ CCB được vay để phát triển sản xuất. Việc sử dụng vốn vay của các hộ đều đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, góp phần giảm hộ CCB nghèo trong huyện xuống còn 1%. Một số xã như: Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Xuân Tiến không còn hộ CCB nghèo. Hiện toàn huyện có 229 hộ CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, 6.097 hộ CCB khá và giàu, chiếm tỷ lệ 67% tổng số hội viên. Các hộ CCB kinh doanh giỏi đã tích cực phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên, con em CCB, cựu quân nhân có thu nhập ổn định từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình nuôi tôm thả cá của CCB Lê Văn Bản, xóm 15, xã Xuân Hòa. |
Tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi như: CCB Đinh Tân Việt, xã Xuân Tiến; Đinh Xuân Mộc, xã Xuân Kiên; Phan Trọng Điền, xã Xuân Ninh… CCB Lê Văn Bản, xã Xuân Hòa với mô hình nuôi cá lăng và tôm sú đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 2002, ông quyết định nhận đấu thầu 5ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi tôm sú. Những ngày đầu mới nuôi, do chưa có kinh nghiệm, tôm bị bệnh nên ông bị thiệt hại nặng nề. Không lùi bước trước khó khăn, năm 2009, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích và kết hợp nuôi thả cá lăng. Được sự hỗ trợ của các kỹ sư thủy sản, ông đã tìm ra được phương pháp nuôi cá và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân… Năm 2016, gia đình ông đã bán được 40 tấn cá lăng và hàng tấn tôm đem về thu nhập cho gia đình ông hàng tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ những hội viên về con giống cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi thủy sản… Có tiềm lực kinh tế, ông tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hưởng ứng các phong trào nhân đạo từ thiện, giúp đỡ những hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. CCB Lương Đăng Khoa, ở CCN Xuân Tiến cũng là một điển hình CCB làm kinh tế giỏi. Năm 1981, sau khi xuất ngũ ông vào làm ở HTX cơ khí Thống Nhất tại địa phương. Đến năm 2007, ông đã thành lập Cty chuyên sản xuất đồ i-nốc, các vật dụng dùng cho gia đình. Với diện tích 500m2 ông đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất các mặt hàng cơ khí. Nhờ sự cần cù chịu khó, uy tín làm ăn, các sản phẩm đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Sản phẩm của ông chủ yếu xuất đi các thị trường như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… Quy mô sản xuất ngày càng phát triển, ông đã tiếp nhận vào làm việc tại xưởng 20 lao động, trong đó có khoảng 5-6 con em của CCB với mức thu nhập ổn định từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia vào công tác từ thiện nhân đạo hỗ trợ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các cấp Hội CCB huyện Xuân Trường đã tích cực động viên hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, nhiều CCB trong huyện đã vươn lên làm ăn phát đạt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh