Thời gian qua, hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) có nhiều khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghiên cứu.
Hiện tại hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách tham quan về dịch vụ thuê phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống, phương tiện tham quan (tàu, thuyền), các buổi hội thảo, hướng dẫn các đoàn khách... Về dịch vụ nghỉ, Ban quản lý (BQL) VQG Xuân Thuỷ hiện có 14 phòng ngủ đôi đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của khoảng 45-55 khách/ngày và HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân có 10-15 phòng nghỉ (homestay) có thể phục vụ cùng lúc từ 20-40 khách. Dịch vụ tham quan bằng đường thủy của VQG của các đoàn khách chủ yếu qua 2 phương tiện tàu thép mới đưa vào sử dụng từ tháng 5-2017 của anh Trịnh Văn Hậu ở xã Giao Xuân có sức chứa 48 khách và anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Giao Thiện có sức chứa 42 khách. Đảm nhiệm công tác hướng dẫn viên cho khách du lịch là 5 cán bộ của BQL VQG Xuân Thủy và một số cá nhân của HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân. Theo báo cáo của BQL VQG Xuân Thủy, số lượng du khách quan sát các loại chim, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn hằng năm dao động từ 15-16 nghìn lượt khách trong nước và 300-500 khách quốc tế tập trung chủ yếu vào mùa chim di cư từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Từ đầu năm 2017 đến nay, VQG đón trên 10 nghìn lượt du khách trong nước và trên 500 khách quốc tế, trong đó HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đón trên 1.000 khách trong nước và 400 khách quốc tế. Nếu những năm trước, số lượng khách nước ngoài chủ yếu là nghiên cứu sinh, sinh viên tình nguyện cộng đồng thì năm nay phần lớn là khách có nhu cầu du lịch. Việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái đã giúp tuyên truyền, quảng bá về nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của VQG đến du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch cũng tác động tích cực đến nhân dân các xã vùng đệm VQG: Giao An, Giao Thiện, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hải hưởng lợi từ việc phục vụ khách tham quan như chở khách, bán các sản phẩm của địa phương…; giúp họ ý thức hơn trong việc trang bị những thông tin cơ bản, chính xác để giới thiệu cho du khách và có hành động thiết thực bảo vệ tài nguyên của VQG.
Du khách nước ngoài tham quan hoạt động sản xuất muối tại các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy. |
Tuy nhiên hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy phát triển chưa tương xứng tiềm năng và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đến nay, dự án phát triển du lịch sinh thái VQG chưa được các cấp, các ngành xây dựng. Năm 2015, UBND tỉnh cho phép UBND huyện Giao Thủy lập dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy nhưng do nhiều nguyên nhân nên dự án chưa được tổ chức thực hiện. Do vậy, khi triển khai các dự án đầu tư cho vùng lõi, vùng đệm VQG, BQL VQG đã phải lồng ghép xây dựng các công trình như đài quan sát ở Cồn Ngạn và Cồn Lu, trung tâm du khách, bảo tàng thiên nhiên, đường tuần tra… và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch khác. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Khu nhà nghỉ cho khách du lịch nghỉ là nhà tập thể của cán bộ, viên chức BQL với số lượng phòng hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho những đoàn khách đông người; chưa có những phòng nghỉ tập thể dành cho các đối tượng như học sinh, sinh viên. Việc đưa khách tham quan VQG chủ yếu dựa vào 2 tàu khách của cá nhân, vào dịp nghỉ lễ không đáp ứng được nhu cầu khi có đông du khách. Các nhà nghỉ homestay tại xã Giao Xuân thiếu kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và phần nào ảnh hưởng đến sự nhiệt tình trong hoạt động du lịch của người dân. Điều đáng lo ngại đối với hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và du lịch sinh thái ở VQG Xuân Thủy nói riêng là tác động của con người. Các xã vùng đệm của VQG có khoảng 47 nghìn người sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản. Áp lực khai thác tài nguyên tự nhiên từ vùng đệm lên vùng lõi của VQG rất lớn khi có tới 50% thu nhập của cộng đồng dân cư phụ thuộc vào tài nguyên tự nhiên ở vùng triều. Thời gian gần đây, do sự phối hợp quản lý không tốt giữa các cơ quan, các địa phương nên khu vực thiên nhiên vùng đệm VQG đang bị xâm hại ảnh hưởng đến sự sống của các rừng sú vẹt và cuộc sống của các loài chim di cư. Để tiếp tục phát triển du lịch sinh thái của VQG Xuân Thủy, thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương cần thực hiện nghiêm Công văn số 568/UBND-VP3 ngày 11-7-2017 của UBND tỉnh về việc “Quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy”. Theo đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá về vẻ độc đáo của VQG để thu hút sự quan tâm của du khách, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho cộng đồng địa phương và khách tham quan. Sớm lập Đề án tổ chức phát triển du lịch sinh thái VQG gắn với du lịch cộng đồng của các xã vùng đệm. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong khu vực vùng lõi VQG; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại VQG; thu hút, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, các dự án khôi phục và duy trì các nghề truyền thống. Có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng tại khu vực VQG Xuân Thủy khoa học, hiệu quả, bền vững; liên kết với các Cty lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa du khách trong nước và quốc tế đến; nhân rộng mô hình HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân, đồng thời tăng cường năng lực, sự giúp đỡ về mọi mặt cũng như tiếp thị để cung cấp nguồn khách dồi dào và lâu dài, đưa hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Xuân Thủy phát triển./.
Bài và ảnh: Đức Thiện