Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non (262 trường công lập, 4 trường tư thục), 3.891 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. 100% số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày. Hầu hết các trường mầm non đều tổ chức cho các cháu ăn bán trú.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cho trẻ trong các trường mầm non, Sở GD và ĐT thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn về nội dung đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đồng thời phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp nhằm phòng chống NĐTP, bảo đảm ATTP cho trẻ. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quản lý chặt chẽ chất lượng nuôi ăn bán trú; thực hiện nghiêm túc Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao tầm vóc của trẻ; rà soát, mua sắm bổ sung đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ công tác chăm sóc; hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc xây dựng thực đơn (tuần 1 và tuần 3; tuần 2 và tuần 4) không trùng lặp nhau, khẩu phần ăn đảm bảo năng lượng và tỷ lệ các chất theo quy định. Định kỳ hằng năm, Sở GD và ĐT phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo giáo viên dinh dưỡng cho các trường mầm non bán trú. 10/10 đơn vị giáo dục huyện, thành phố cũng mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho giáo viên dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, bếp ít khói, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh, nước sạch đúng quy cách. Một số nơi có điều kiện, ngành còn khuyến khích phát triển hệ sinh thái VAC để cung cấp nguồn thực phẩm sạch tại chỗ. Nhiều trường còn làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng tỷ lệ nuôi ăn bán trú, nâng cao chất lượng bữa ăn, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Các phòng GD và ĐT tổ chức Hội thi “Dinh dưỡng cho bé” nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ lứa tuổi mầm non cho cán bộ quản lý, giáo viên và các bậc phụ huynh; nâng cao năng lực quản lý chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho cán bộ quản lý và người phụ trách dinh dưỡng trong các trường mầm non; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tạo cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Các trường công khai thực đơn, thay đổi món ăn theo mùa, thực đơn, đảm bảo chống suy dinh dưỡng và chống béo phì. Các đơn vị tiêu biểu trong công tác ATTP như các trường mầm non: Thị trấn Lâm, Yên Quang (Ý Yên); Mỹ Hà, Mỹ Trung (Mỹ Lộc); Sao Vàng, Nam Vân (TP Nam Định); Nam Thái (Nam Trực); Trực Thành, Trực Thanh, Trực Thái (Trực Ninh); Hải Long, Hải Châu, Hải Vân (Hải Hậu)…
|
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Yên Quang (Ý Yên). |
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở GD và ĐT, các trường mầm non đã có nhiều chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP. Việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP trong các trường được thực hiện khá nghiêm túc, trở thành nền nếp. Đặc biệt, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia đã xây dựng được hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, đáp ứng đủ các tiêu chí về ATTP. 100% trẻ được theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Cuối năm học 2016-2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,6% ở nhà trẻ, giảm 0,5% ở mẫu giáo; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,8% ở nhà trẻ, giảm 0,6% ở mẫu giáo so với đầu năm học.
Chuẩn bị cho năm học 2017-2018, hệ thống bếp ăn ở nhiều trường mầm non đã được xây mới, sửa sang, nâng cấp trang thiết bị đúng theo tiêu chuẩn. Sở GD và ĐT tích cực chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP trong các trường học có tổ chức ăn bán trú. Trong đó yêu cầu các phòng GD và ĐT phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn chỉ đạo công tác ATTP trong các trường học mầm non tăng cường kiểm tra, giám sát các trường có tổ chức ăn bán trú; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về ATTP. Các trường mầm non tăng cường huy động giáo viên, phụ huynh tham gia tích cực vào công tác đảm bảo ATTP tại trường học. Các bếp ăn tập thể trường học phải được cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đủ điều kiện ATTP. Các trường thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ mua thực phẩm, nước uống ở những cơ sở đủ điều kiện ATTP; thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, giá thực phẩm của các nhà cung ứng. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường mầm non phối hợp với các đơn vị y tế địa phương: tăng cường trách nhiệm của Ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong việc thực hiện các quy định hiện hành liên quan đến ATTP; duy trì đảm bảo về điều kiện vệ sinh chung, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ theo quy định; không để cơ sở không đủ điều kiện ATTP tham gia cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố thường xuyên bồi dưỡng công tác đảm bảo quy chế vệ sinh cho giáo viên đứng lớp và bồi dưỡng kỹ thuật tiếp phẩm, chế biến thực phẩm (từ khâu mua thực phẩm theo thực đơn, cách sơ chế, làm sạch các loại thịt, cá, tôm, cua, cách ngâm và rửa sạch các loại rau, củ, quả, cách chế biến, chia thức ăn…) nhằm đảm bảo quy trình ATTP cho đội ngũ giáo viên dinh dưỡng trong các trường.
Với việc quan tâm đảm bảo ATTP, nhiều trường mầm non trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác ATTP, qua đó đảm bảo cho các em phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh lứa tuổi mầm non./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận