Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều thương, bệnh binh vẫn phải chiến đấu với những vết thương, nỗi đau bệnh tật. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, nhiều thương, bệnh binh vẫn luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua hoàn cảnh, thương tật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, trở thành những công dân kiểu mẫu.
Là thương binh loại A, tỷ lệ thương tật 61%, nhưng ông Đinh Xuân Thành, ở xóm 10, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự mình vươn lên trong cuộc sống. Năm 1978, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang. Từ tháng 1-1979, ông làm nhiệm vụ quốc tế tại Căm-pu-chia. Tháng 8-1979, trong một trận chiến quyết liệt với địch ông bị thương. Sau thời gian điều trị vết thương, ông trở về quê hương, tham gia công tác xã hội và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Xuân Tiến. Trong công việc, ông luôn gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của đơn vị, đồng thời luôn đổi mới, ứng dụng công nghệ tin học trong hoạt động quản lý. Số lượng thành viên và nguồn vốn của Quỹ tín dụng Xuân Tiến không ngừng tăng. Hiện nay, Quỹ có 700 thành viên, tổng nguồn vốn đạt trên 170 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn huy động tiền gửi của các cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 148 tỷ đồng, là nguồn vốn ổn định để đầu tư cho các thành viên, khách hàng vay. Doanh thu bình quân hằng năm của Quỹ đạt gần 5,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động 9,6 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân Xuân Tiến đã giúp các hộ gia đình, các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, đặc biệt là ngành cơ khí sản xuất máy phục vụ nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho nhân dân địa phương, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù bận bịu với công tác chuyên môn, song ông Đinh Xuân Thành vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Năm 1994, ông tham gia Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Tiến, từ năm 2005, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Trong 24 năm qua, ông tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các hoạt động nhân đạo như: cứu trợ, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến tranh, những người tàn tật, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, hiến máu nhân đạo… Đến nay, Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Tiến có 370 hội viên, quỹ hội đạt gần 1 tỷ đồng và đã ủng hộ, cứu trợ, xây nhà tình nghĩa cho nhiều trường hợp, với tổng trị giá 948 triệu đồng, giúp những người không may mắn vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
|
Ông Đinh Minh Thiệu, thương binh nặng (81%) ở tổ 12, phường Cửa Nam (TP Nam Định) ôn lại kỷ niệm đời quân ngũ. |
Người dân ở phường Cửa Nam (TP Nam Định) khi được hỏi đều biết đến thương binh Đinh Minh Thiệu. Mất sức lao động 81% nhưng ông Thiệu luôn suy nghĩ, mình còn sức khoẻ thì vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Ông luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực vận động nhân dân cùng thực hiện, gương mẫu tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trở thành người có ích cho xã hội. Ông nhập ngũ năm 1961, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có mặt trong đội hình đánh chiếm Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975… Năm 1986, trở về địa phương, ông luôn giữ vững phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giản dị trong cuộc sống, tích cực trong công tác. Là chi hội trưởng chi hội CCB thôn Vấn Khẩu, xã Nam Vân, ông đã xây dựng chi hội CCB thôn đạt chi hội vững mạnh nhiều năm. Khi thôn được nhập về phường Cửa Nam (TP Nam Định), ông tham gia chi Hội Khuyến học tổ dân phố, tích cực vận động, giáo dục, giúp đỡ các cháu học tập, rèn luyện thành con ngoan, trò giỏi. Thời gian qua, một số tuyến đường trên địa bàn phường Cửa Nam được đầu tư làm mới và mở rộng thay thế cho những con đường lầy lội, chật hẹp, việc giải phóng mặt bằng ban đầu gặp nhiều khó khăn, ông Thiệu đã gương mẫu vận động gia đình hiến đất đầu tiên và tham gia với chính quyền, Hội CCB tuyên truyền, vận động các gia đình ở hai bên tuyến đường hiến đất để giải phóng mặt bằng. Kết quả là các gia đình đều đồng thuận, vui vẻ, tự giác đóng góp và con đường đã được mở rộng khang trang, đẹp đẽ. Ở tuổi 80, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong tổ dân phố, thường xuyên đến từng nhà vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ăn ở có vệ sinh. Mỗi khi trong tổ dân phố xảy ra mâu thuẫn, ông đều tham gia hòa giải, góp phần hàn gắn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Riêng gia đình ông nhiều năm liền được bình bầu là gia đình văn hóa tiêu biểu, công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.
Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhiều thương, bệnh binh tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, tự vượt lên hoàn cảnh, thương tật, không ngừng nỗ lực trong học tập, công tác, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, tiếp tục cống hiến công sức của mình cho quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh:
Minh Tân