Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh được các lực lượng chức năng tăng cường với nhiều biện pháp mạnh và thực hiện thường xuyên. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017 (từ 15-4 đến 15-5), toàn tỉnh đã thành lập 245 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành (tuyến tỉnh 33 đoàn, tuyến huyện 13 đoàn, tuyến xã, phường, thị trấn 229 đoàn) kiểm tra 4.208 cơ sở, trong đó số cơ sở sản xuất chế biến là 1.015 cơ sở, số cơ sở kinh doanh là 1.369 cơ sở, số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là 1.824 cơ sở. Qua kiểm tra, có 2.861 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 68% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra; 1.347 cơ sở vi phạm, chiếm 32% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó có 261 trường hợp bị xử lý. Hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền, nhắc nhở các cơ sở khắc phục, sửa chữa các sai phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa được khám sức khỏe và chưa được học tập kiến thức về vệ sinh ATTP. Có 155 cơ sở bị phạt cảnh cáo, 98 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt hơn 157 triệu đồng. Nhiều vụ như: Vụ xử phạt Cty Hưng Thịnh (Vụ Bản) 140 triệu đồng do sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và phải tiêu hủy 1.375kg cám chứa chất cấm; Chi cục Quản lý thị trường xử phạt 40 triệu đồng đối với 1 cơ sở do hành vi kinh doanh hàng giả, tịch thu 730kg mì chính giả; Phòng PC 49 (Công an tỉnh) phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Thanh Bình có hành vi sang chiết, đóng gói mì chính giả nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto tại kho số 2, Cty TNHH Hoa Mai, đường Song Hào, phường Trần Quang Khải, tang vật thu giữ là 280kg mì chính giả. Ngoài ra, trong các đợt thanh tra, kiểm tra gần đây các cơ quan chức năng cũng thu giữ 8 hộp bơ Tường An 500g, 1 hộp bột Lion, 5 chai tương bần, 1 gói bột chiên xù Panko, 1 hộp hạt màu đen, 330 lít rượu, 19,5kg mì chính giả...
|
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể tại Cty CP May Sông Hồng. |
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là vấn đề xử lý vi phạm vẫn còn nhiều tồn tại. Đối với tuyến xã, công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm nhưng không xử lý vụ nào. Bên cạnh đó “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn” là 1 trong 2 chủ đề của Tháng hành động ATTP năm nay, nhưng yêu cầu về kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống hiện còn nhiều khoảng trống. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017, việc xử phạt vi phạm chủ yếu tập trung ở các nội dung: Vi phạm quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, con người, vi phạm về ghi nhãn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thực phẩm… trên tất cả các loại thực phẩm. Còn đối với thực phẩm tươi sống, các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan, chưa có đủ điều kiện để phát hiện ngay các hóa chất tồn dư, chất cấm... có trong loại thực phẩm này. Như vậy, một thực phẩm “chủ lực” có trong bữa ăn lâu nay và cũng là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng chưa được các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý. Ngoài ra, các lực lượng thanh tra, kiểm tra phải cụ thể các nội dung kiểm tra như: Dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, chất cấm, số đơn vị cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP; hoặc kiểm tra những nơi hay xảy ra ngộ độc, cơ sở sản xuất có thực phẩm gây ngộ độc... Địa bàn kiểm tra cần tập trung vào các chợ truyền thống vì đây là nơi tập trung các loại thực phẩm tươi sống, là nơi nguy cơ mất ATTP khá cao cũng là địa chỉ thu hút nhiều người tiêu dùng. Tại tuyến cơ sở, việc kiểm tra chất lượng ATTP mới chỉ chủ yếu bằng cảm quan, còn những vấn đề như lạm dụng chất tăng trưởng, chất kích thích, chất bảo quản trong chăn nuôi thì chưa thể làm được. Thực tế các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuyến cơ sở ở nông thôn chủ yếu là nhỏ lẻ, nhận thức của người sản xuất, tiêu dùng còn hạn chế, chưa có ý thức mua sắm trang thiết bị, các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định. Bởi vậy qua kiểm tra mặc dù phát hiện ra nhiều lỗi nhưng việc xử phạt rất khó khăn vì hầu hết các cơ sở này đều làm ăn khó khăn, không có tiền nộp phạt...
Không thể phủ nhận công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước; xử lý kịp thời một số sai phạm trong lĩnh vực ATTP; qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Cũng qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển tải được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP đến người dân; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, của chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, để công tác thanh tra, kiểm tra đi vào thực chất, hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, vướng mắc, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ tuyến cơ sở về chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lấy mẫu thực phẩm cho các cán bộ xã, phường, thị trấn. Cùng với việc thanh tra theo kế hoạch, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là ở tuyến xã, phường, thị trấn, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, dịch vụ thức ăn đường phố; khi phát hiện vi phạm, phải xử phạt nghiêm, tránh nể nang. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật, tạo ra các thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận