Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có trên 10 nghìn người tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hoá học màu da cam/đi-ô-xin. Những năm qua việc giải quyết chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam/đi-ô-xin và con đẻ của họ đã được triển khai thực hiện theo quy định.
|
Cán bộ Phòng Người có công (Sở LĐ-TB và XH) thẩm định hồ sơ người hoạt động kháng chiến đề nghị được hưởng chế độ do bị nhiễm chất độc hóa học. |
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 12-6-2013 của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam/đi-ô-xin; tổ chức hướng dẫn người hoạt động kháng chiến làm thủ tục xác nhận các giấy tờ cần thiết, thiết lập hồ sơ để giải quyết chế độ. Các ngành, các địa phương thực hiện đầy đủ, chính xác, công khai các quy trình giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng này. Sở LĐ-TB và XH đã có văn bản hướng dẫn Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố, cán bộ LĐ-TB và XH các xã, phường, thị trấn triển khai hướng dẫn đối tượng lập thủ tục hồ sơ; tổ chức xét duyệt ở cơ sở. Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn về trình tự, thủ tục xác nhận, lập hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học dẫn đến bị mắc một trong các trường hợp: mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh, mắc 1 trong danh mục 17 bệnh, tật, dị tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học do Bộ Y tế ban hành. Cán bộ LĐ-TB và XH các xã, phường hướng dẫn các đối tượng đến các cơ quan chuyên môn xác nhận các giấy tờ liên quan, khám giám định bệnh, tật, dị tật, dị dạng. UBND cấp xã tổ chức niêm yết công khai và thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã trước khi hội đồng xác nhận người có công cấp xã xét duyệt. Trong năm 2016, Sở LĐ-TB và XH đã tiếp nhận trên 1.000 hồ sơ người hoạt động kháng chiến đề nghị được hưởng chế độ do bị nhiễm chất độc hóa học từ các huyện, thành phố. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ quan chức năng: Sở Y tế, Bộ CHQS tỉnh, Hội đồng giám định y khoa, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Hội CCB xem xét từng hồ sơ. Trong đó đặc biệt lưu ý đến giấy tờ chứng minh có tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học và thời gian công tác. Sau khi kiểm tra, thẩm định, đối với những hồ sơ đủ điều kiện, Sở LĐ-TB và XH giới thiệu đối tượng đi giám định hoặc ra quyết định được hưởng trợ cấp đối với các hồ sơ có đủ các điều kiện. Trong năm 2016 đã tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ và đã có 865 trường hợp được giải quyết chế độ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã tiếp nhận 285 hồ sơ người hoạt động kháng chiến đề nghị được hưởng chế độ do bị nhiễm chất độc hóa học và đã có 359 trường hợp được giải quyết chế độ (trong đó 159 trường hợp tiếp nhận từ năm 2016); trả lại địa phương 30 hồ sơ còn thiếu căn cứ để bổ sung, hoàn thiện; giới thiệu đi giám định y khoa 55 trường hợp. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 10.555 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam/đi-ô-xin và con đẻ của họ được trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Đồng chí Ngô Công Viên, quyền Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Các hồ sơ trả lại địa phương chủ yếu là do thiếu căn cứ thể hiện đối tượng tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường B, hoặc chưa rõ, cần phải bổ sung, hoàn thiện; một số trường hợp hồ sơ đối tượng có bệnh tật không phù hợp với danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/đi-ô-xin do Bộ Y tế ban hành. Thực tế thời gian qua, ở một số địa phương xuất hiện hiện tượng tăng số lượng hồ sơ diện đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tập trung vào 2 loại bệnh là bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính và đái tháo đường type 2 (trên 80%). Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này một phần do một số người đã hợp lý hoá hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi người có công; một số cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, một bộ phận y, bác sĩ chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc cấp các giấy tờ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học nên đã cấp giấy tờ, bệnh án; thậm chí có trường hợp làm giả giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học… Sở LĐ-TB và XH đã có công văn đề nghị Sở Y tế tăng cường kiểm tra, phối hợp chỉ đạo, xem xét việc nằm viện, khám, điều trị, cấp giấy tờ ra viện, bệnh án cho đúng đối tượng, khám giám định y khoa chặt chẽ; phối hợp với ngành Công an, Quân đội thẩm định chặt chẽ các trường hợp… nhằm hạn chế thấp nhất sai sót, tiêu cực xảy ra.
Thời gian tới, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người nhiễm chất độc hoá học màu da cam/đi-ô-xin. Thực hiện tốt việc công khai hoá ngay từ cơ sở, thôn, xóm và phát huy tinh thần dân chủ, công khai trong các tầng lớp nhân dân để chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, đồng thời đảm bảo những người có hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng chế độ ưu đãi theo đúng chính sách của Nhà nước./.
Bài và ảnh:
Minh Tân