Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), chúng tôi có dịp gặp gỡ CCB Đoàn Trọng Ấp ở xã Nam Cường (Nam Trực) - một CCB đã dành nhiều thời gian, tâm sức đi tìm những đồng đội của mình hy sinh trong 81 ngày đêm sát cánh chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.
|
Ông Đoàn Trọng Ấp cùng các con, cháu. |
Năm 1971, khi mới 21 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Đoàn Trọng Ấp đã lên đường nhập ngũ và được biên chế vào tiểu đoàn 17, Sư đoàn 308 có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đến năm 1976, do sức khỏe yếu, ông ra quân trở về địa phương, được công nhận là bệnh binh mất sức 61%. Vừa tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia vào các công tác xã hội tại địa phương… Đã từng vào sinh ra tử trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, những ký ức về năm tháng sống, chiến đấu luôn in đậm trong tâm trí ông. Điều mà ông Ấp trăn trở nhất chính là nhiều đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa được về với quê hương đất mẹ. Khi cuộc sống đã dần ổn định, con cái đã tự lập cho bản thân, đó cũng chính là lúc ông Ấp có nhiều thời gian nghĩ về đồng đội cũ đã hy sinh nay vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Trong suốt thời gian gần 10 năm đi tìm hài cốt, ông cùng với thân nhân các gia đình liệt sĩ đã xác minh được danh tính, tìm và cất bốc được 4 hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương. Bên ấm trà xanh nóng hổi, CCB Đoàn Trọng Ấp kể cho chúng tôi nghe rõ từng chi tiết của mỗi chuyến đi. Lần đầu tiên ông tìm đồng đội Đoàn Đình Diệm, người đồng chí cùng xã Nam Cường với ông. Khi vào trong khu vực Động Ông Do - nơi ông Diện hy sinh và an táng đã thay đổi quá nhiều, nhiều nơi bị cày xới, đổi thay khiến việc xác định vị trí chôn cất hết sức khó khăn. Ông Ấp đã tìm đến liên hệ với chính quền địa phương, nhờ những người dân địa phương dẫn đi tìm ở những khu vực mà ông mô tả trước đây. Và ngay trong chuyến đi đầu tiên đó, ông đã tìm được liệt sĩ Đoàn Đình Diệm. Ông chia sẻ: Quá trình đi tìm những đồng đội khác cũng gặp rất nhiều khó khăn, do đồng đội đã hy sinh ở nhiều khu vực khác nhau, sau nhiều năm do thời tiết, sự biến động của tự nhiên và con người nên phần mộ cũng bị xê dịch khiến cho quá trình tìm kiếm càng thêm phần vất vả. Có những lần vì khó khăn mà muốn từ bỏ nhưng nghĩ tới các đồng đội đang nằm đâu đó càng thôi thúc ông tìm kiếm. Trong những lần đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đối với ông Ấp kỷ niệm đáng nhớ là lần đi tìm hài cốt của đồng chí Hẩu ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Khi về lại chiến trường đã đổi thay rất nhiều, con đường mòn ngày xưa không còn nữa, cây cối um tùm đã che lấp cả lối đi. Xác định được vị trí an táng của đồng chí Hẩu nhưng không biết họ tên đầy đủ cũng như địa chỉ cụ thể về nơi sinh sống, biết rằng đồng đội mình đang nằm ở đây nhưng không làm cách nào để tìm và liên lạc được với gia đình, ông đã liên hệ với chính quyền huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đưa thông tin của đồng đội cũng như địa chỉ, số điện thoại của bản thân ông để ai đó trên địa bàn biết được liên lạc với ông. Sau hơn 2 tháng, gia đình đồng chí Hẩu đã tìm đến và xác nhận thông tin hài cốt liệt sĩ Hẩu để đưa về quê an táng. Ngoài ra, ông còn tìm hài cốt liệt sĩ của của đồng chí Quân ở xã Nam Hồng và đồng chí Bảo ở tỉnh Hưng Yên. Hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông Ấp đã không ngừng nghỉ suốt nhiều năm trời. Cho đến nay khi nhắc lại những khoảnh khắc tìm kiếm hài cốt của đồng đội, ông lại không giấu được niềm xúc động, ông cho biết: Trong những chuyến đi tìm hài cốt có cả sự gian nan, hiểm nguy nhưng niềm vui khi đưa được đồng đội về với gia đình, quê hương, tôi cũng cảm thấy lòng mình được nhẹ nhàng vì đã làm tròn nghĩa vụ với các đồng đội, những người lính đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
Những năm tháng chiến đấu trong mưa bom bão đạn, ông Ấp cùng với đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những năm tháng không thể nào quên trong tâm trí của người cựu binh già. Trở về với đời thường, ông tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội tại địa phương và các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Ghi nhận những thành tích đóng góp, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2012 ông được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 và nhiều Bằng khen, giấy khen khác./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh