Gia đình cụ Nguyễn Thị Huề (94 tuổi) xóm Nội Thôn, xã Yên Phong (Ý Yên) có nhiều thành viên đam mê ca hát. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn cùng các con cháu trong gia đình tích cực tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.
|
Cụ Nguyễn Thị Huề (ngồi giữa) đang biểu diễn một bài hát đối cùng con cháu. |
Những ngày hè, ngôi nhà của cụ Huề như sân khấu thu nhỏ bởi tiếng phách, cùng các làn điệu dân ca được các cháu, chắt cụ thể hiện mượt mà. Ở tuổi 94, cụ Huề vẫn minh mẫn, tinh anh, đôi tay vẫn thoăn thoắt nhấn nhá từng nhịp phách để dạy con cháu. Với năng khiếu và đam mê hát xẩm, hát chèo từ nhỏ, những năm 1960 sau khi học lớp bổ túc văn hóa, cụ Nguyễn Thị Huề đã cất công sưu tầm, ghi chép những bài hát xẩm được truyền miệng từ các bậc tiền bối. Cụ Huề cho biết: Hát xẩm là loại hình “hát kể chuyện” đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, anh em cho đến những vấn đề mang tính thời sự cập nhật là phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời... nên càng tìm hiểu cụ càng đam mê. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng cụ Huề còn biểu diễn thành thục gần 20 bài hát xẩm như:
“Huê Tình”, “Rể lười”, “Công cha nghĩa mẹ sinh thành”... Là hội viên Hội Người cao tuổi xã, trong những ngày kỷ niệm của hội, ngày mừng thọ người cao tuổi ở địa phương, lời ca tiếng hát của cụ vẫn cất lên động viên mọi người sống vui khỏe, có ích để làm điểm tựa tinh thần cho con cháu. Con gái cả của cụ là cô Hoàng Thúy Dân (69 tuổi) nguyên là diễn viên Đoàn chèo Nam Hà. Trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, nghệ sĩ Thúy Dân cùng các cán bộ, diễn viên, nhạc công, Đoàn chèo Nam Hà đã đem lời ca, tiếng hát động viên tinh thần lao động sản xuất và chiến đấu của quân và dân ở khắp các địa phương. Nghệ sĩ Thúy Dân được đông đảo khán giả biết đến với các vai diễn: Thị Mầu trong vở
“Quan Âm Thị Kính”, bà Tuất trong vở
“Người con gái theo Đảng”, vai hề Đồng, anh Loa trong vở
“Trần Quốc Toản ra quân”... Năm 1968 và đầu năm 1969, nghệ sĩ Thúy Dân cùng các diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Nam Hà biểu diễn phục vụ Bác Hồ vở chèo Trần Quốc Toản ra quân và vở Ni cô Đàm Vân. Năm 1972, Thúy Dân cùng các nghệ sĩ Kim Liên, Đăng Truyền, Đồng Ích... biểu diễn phục vụ quân và dân ở xã Hải Anh - một trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Hiện nay, nghệ sĩ Thúy Dân là một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu ở phường Cửa Bắc (TP Nam Định). Để phát triển phong trào, cô đã vận động những người đam mê văn nghệ quần chúng thành lập đội văn nghệ tổ 31B. Tham gia các hội diễn văn nghệ của phường, đội văn nghệ do cô Dân phụ trách thường đạt giải nhất, nhì. Với đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ Hoàng Thúy Dân đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa năm 2002. Bác Hoàng Văn Thành (64 tuổi), con trai thứ 3 của cụ Huề từng là nòng cốt của đội văn nghệ Cty Xây dựng số 5 (Bộ Xây dựng). Sau khi về địa phương sinh sống, với khả năng hát chèo, bác là một trong những cá nhân đi đầu trong phong trào văn nghệ của xóm Nội Thôn, xã Yên Phong. Cô Hoàng Thị Nền (60 tuổi), con gái thứ 4 của cụ Huề, nguyên giáo viên Trường Mầm non Yên Phong là một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của địa phương. Với khả năng múa hát, cô đã tham gia dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân. Chú Hoàng Thanh Chuyền (57 tuổi) người con thứ 6 của cụ Huề là giảng viên Khoa Trinh sát Trường Pháo binh 400, nhiều năm liền là người dẫn chương trình, biểu diễn các tiết mục quan họ, cải lương trong các dịp trường tổ chức giao lưu văn nghệ. Chú Hoàng Văn Quynh (49 tuổi) là con trai út của cụ Huề, hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin - triển lãm tỉnh. Đầu năm 1990, chú Quynh là diễn viên Đội thông tin lưu động Hà Nam Ninh (sau này là Nam Hà rồi Nam Định). Năm 1990, chú được điều động cùng với các nghệ sĩ Thế Tuyền, Thanh Nga, Thanh An... tham gia biểu diễn ở Thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và giành giải nhất với vở chèo
“Động đến thiên đình” (Tác giả Trịnh Quang Khanh). Năm 1992, Đội thông tin lưu động Nam Hà lưu diễn ở Tiền Giang với vở
“Người vẽ cờ Tổ quốc Việt Nam” (tác giả Giang Phong, đạo diễn Trần Tính), vào vai Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc, chú Quynh đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Đã thành nếp, hằng năm vào dịp giỗ, tết tất cả con, cháu, chắt của cụ Nguyễn Thị Huề lại tề tựu, sum họp. Đó cũng là lúc lời ca, tiếng đàn của các thành viên trong gia đình được cất lên cùng những tiếng cười hạnh phúc. Điều đáng nói là các cháu chắt của cụ Huề đều có niềm đam mê muốn theo học nhạc cụ dân tộc, học hát chèo, hát xẩm. Tiếng đàn, lời ca đã kết nối các thành viên trong gia đình cụ Huề thêm gắn bó, xây dựng gia đình nhiều thế hệ luôn yêu thương, hỗ trợ nhau trong cuộc sống./.
Bài và ảnh:
Viết Dư