Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ, cùng với cả nước, hiện nay dân số ở tỉnh ta đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên, không giống như các nước khác, ở nước ta, từ “cơ cấu dân số vàng” sang giai đoạn “già hóa dân số” có sự chuyển đổi nhanh chóng. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác Dân số - KHHGĐ. Hiện tại tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh tuy tăng (73,5 tuổi) nhưng chất lượng dân số chưa cao (tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi). Việc chăm sóc người già và vấn đề BHXH, trợ cấp xã hội... là thách thức lớn đối với xã hội: Chất lượng dân số còn thấp thể hiện ở chiều cao, cân nặng của thanh niên, tỷ lệ người khuyết tật, trẻ em mắc các bệnh di truyền, bẩm sinh còn cao.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 243.700 người cao tuổi (NCT), chiếm khoảng 12,1% dân số; có 80% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tại các địa phương trong tỉnh, công tác khám, chữa bệnh cho NCT với chi phí khám, chữa bệnh đang là một gánh nặng cho NCT và gia đình. NCT đang đối mặt với các căn bệnh thường gặp như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... Các bệnh này cần nhiều thời gian để điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, việc già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, khoảng 70% số NCT ở tỉnh ta sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% số NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có dưới 30% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, khiến cơ hội điều trị bệnh tật càng khó khăn. Phần lớn NCT chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Số NCT trong tỉnh có sức khỏe tốt chỉ chiếm 5,3%, bình thường 77% và yếu còn tới 17,7%. Điều kiện tiếp cận nhanh chóng của NCT với các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế (60% NCT không khám bệnh định kỳ với lý do không có tiền; 52,7% NCT cho biết phải tự chi trả kinh phí khám, chữa bệnh; 46,7% NCT được BHYT chi trả; 26,7% NCT được gia đình chi trả và 0,7% NCT được các tổ chức từ thiện chi trả). Theo thống kê, ở tỉnh ta còn 49,7% NCT vẫn phải lao động để kiếm sống, trong đó, 27% NCT đang tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh; 38% NCT tham gia các công việc gia đình phụ giúp con cháu làm kinh tế; 6,7% NCT làm người giúp việc và chăm sóc người ốm; 28,3% NCT làm nội trợ và các công việc gia đình khác. Điều này sẽ tạo ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ở các địa phương trong tỉnh và nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT.
|
Cán bộ dân số huyện Ý Yên trao đổi về việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. |
Để tăng cường các giải pháp nhằm ứng phó với việc già hóa dân số, ngày 18-5-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 47 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh giai đoạn 2017-2025. Đây là giải pháp kịp thời nhằm chăm sóc sức khỏe NCT, góp phần phát huy vai trò NCT, ứng phó với những thách thức của một xã hội già hóa dân số. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2025 và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2017-2020) tập trung chăm sóc sức khỏe NCT tại 30% số xã ở 10 huyện, thành phố. Giai đoạn 2 từ (2021-2025), duy trì 30% số xã và mở rộng, 70% số xã còn lại trong tỉnh. Đề án chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh giai đoạn 2017-2025 đề ra mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu với các chỉ tiêu quan trọng như: Đến năm 2025, có 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí phù hợp; 100% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị bệnh cho NCT. 100% NCT có thẻ BHYT; tăng ít nhất 2 lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và không có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016. 100% lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT. Kế hoạch 47 của UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT, mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT và xây dựng các CLB chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe NCT vào các CLB liên thế hệ tự giúp nhau... Kế hoạch triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 của UBND tỉnh sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với NCT. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chú trọng vào các nội dung: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT tại mỗi gia đình. Triển khai xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với NCT trong toàn tỉnh. Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT; thường xuyên thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường theo quy định bao gồm: tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT. Phát triển đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình nhằm thực hiện quản lý sức khỏe NCT tại trạm y tế xã, phường, thị trấn lồng ghép với quản lý sức khỏe tại cộng đồng, quản lý bệnh mãn tính không lây nhiễm tại gia đình, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho NCT. 100% xã, phường, thị trấn có CLB gắn với nội dung chăm sóc sức khỏe cho NCT. Hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng