Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Mỹ Lộc có trên 14 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến, gần 3.000 liệt sĩ, 135 mẹ của các liệt sĩ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 2.000 thương binh, bệnh binh, gần 2.000 người bị nhiễm chất độc hoá học… Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc luôn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, thấm đậm nghĩa tình dành cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
Hiện nay, toàn huyện có 2.429 gia đình chính sách, trong đó có 1.468 gia đình liệt sĩ, 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, 494 thương binh, 338 bệnh binh, 44 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 78 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1.594 đối tượng chính sách, với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng/tháng đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách, người có công như: cấp thẻ BHYT, lập hồ sơ ưu đãi về GD và ĐT nghề cho con em gia đình chính sách… Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với BHXH huyện rà soát, cấp đổi thẻ BHYT cho các đối tượng người có công; làm thủ tục cấp bổ sung thẻ BHYT cho 366 thân nhân liệt sĩ; thân nhân thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động 61% trở lên; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đã phục viên, xuất ngũ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg. Thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với 21 bà mẹ mới được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền 553,5 triệu đồng và chế độ hằng tháng, chế độ phục vụ đối với các bà mẹ còn sống. Phòng LĐ-TB và XH huyện thẩm định, đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ mai táng phí đối với 176 trường hợp người có công và thân nhân người có công từ trần; chế độ tuất thương, bệnh binh, tuất da cam, tuất liệt sĩ 10 trường hợp; 44 hồ sơ đề nghị trợ cấp thờ cúng liệt sĩ và đã có 12 hồ sơ được giải quyết; 1.141 hồ sơ người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị hưởng trợ cấp 1 lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết 15 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP. Hằng năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện thực hiện tốt chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình cho đối tượng người có công. Từ năm 2016 đến nay, huyện Mỹ Lộc đã đưa 124 người đi điều dưỡng tập trung tại tỉnh Thanh Hóa và huyện Hải Hậu; chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 403 người, với tổng số tiền 48 triệu đồng, xét duyệt hồ sơ ưu đãi cho 101 học sinh, sinh viên là con em người có công, với tổng số tiền 772 triệu đồng. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách và chuyển quà của Chủ tịch nước, của tỉnh kịp thời, đầy đủ đến các đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 623 triệu đồng, huyện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách như mít tinh kỷ niệm, viếng tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2016, Huyện ủy, UBND huyện đã tặng quà cho 2.447 lượt người có công và thân nhân người có công với tổng giá trị 254 triệu đồng; trực tiếp thăm hỏi, động viên, tặng quà 7 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tiêu biểu; tổ chức gặp mặt thân mật thương, bệnh binh, con liệt sĩ đang công tác tại các cơ quan trên địa bàn huyện.
|
Bà Phạm Thị Xê, xã Mỹ Tân, là vợ liệt sĩ, được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng xây căn nhà mới. |
Cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, huyện chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện ưu tiên về ruộng đất, hỗ trợ về ngày công lao động; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp... giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế gia đình, tăng thu nhập; giải quyết chính sách và tạo điều kiện cho con em đối tượng chính sách được học hành, được bố trí việc làm. Những năm qua, huyện đã phát động và thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực chăm lo cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trên địa bàn huyện tham gia chăm lo cho người có công. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hình thành ở 2 cấp: huyện và xã, mỗi năm tăng thêm trên 600 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã tặng gần 2.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền gần 300 triệu đồng; xây mới được 53 Nhà Tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa 443 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, thường xuyên thăm hỏi lúc ốm đau, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Riêng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện năm 2016, có 64 đơn vị ủng hộ, với số tiền trên 80 triệu đồng. Từ đầu năm 2017, Quỹ đã hỗ trợ xây mới 2 Nhà Tình nghĩa, mỗi nhà 60 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 1 nhà 30 triệu đồng đối với đối tượng chính sách. Hiện nay, số dư của quỹ trên 100 triệu đồng. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị quan tâm chăm sóc chu đáo và nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Đến nay, 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn nâng cao mức sống và an toàn về nhà ở cho các đối tượng chính sách, bảo đảm cho các hộ chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình của khu dân cư. Công tác xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện thường xuyên quan tâm. Đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật và những đau thương mất mát, không ngừng nỗ lực trong học tập, công tác và lao động sản xuất để ổn định và cải thiện cuộc sống, nhiều người thành đạt, giàu có, góp sức xây dựng, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có công. Huyện, các xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu. Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhiều cá nhân trong huyện tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức gặp mặt các đối tượng chính sách tiêu biểu... Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa chính trị của ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), nêu gương sáng các gia đình, cá nhân đối tượng chính sách, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công với nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh:
Minh Tân