Hệ thống giao thông bảo đảm tính kết nối liên hoàn, thông suốt từ đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị với đường giao thông nông thôn được xem là một yếu tố đầu vào cơ bản để kích thích phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cung ứng tốt hơn công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận tới các cơ sở kinh tế - xã hội và các dịch vụ khác (tín dụng, công nghệ, thông tin, truyền thông...). Hệ thống giao thông cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh ta hiện nay được đầu tư phát triển rộng khắp nhưng do nguồn vốn khó khăn nên chất lượng hạ tầng giao thông cấp tỉnh - huyện - xã trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn. Theo kết quả đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, có tới 98% doanh nghiệp được điều tra đánh giá chất lượng đường tỉnh tốt, chỉ có 20% doanh nghiệp đánh giá đường huyện tốt, số còn lại đều khẳng định hạ tầng giao thông cấp huyện chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là mạng lưới giao thông cấp xã. Báo cáo của Sở GTVT cũng đánh giá: hệ thống đường giao thông nông thôn chưa đảm bảo sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường tỉnh, đường huyện xuống đường xã, nhất là đối với các xã ở xa khu trung tâm đô thị; hệ thống đường giao thông của nhiều xã còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN. Đánh giá kết quả chương trình xây dựng NTM, đến hết tháng 2-2017, trên toàn tỉnh vẫn còn một số huyện chưa đạt tiêu chí về giao thông bao gồm: Trực Ninh, Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc.
Để khắc phục tình trạng này ngành GTVT và các địa phương đã chủ động đánh giá, xác định các nguyên nhân chính để có căn cứ tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Qua đánh giá, phân tích từ thực tế tại các địa phương cho thấy: Nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh ít khiến nhiều huyện, xã khó khăn trong xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường. Một số huyện rất hạn chế trong bố trí nguồn vốn hỗ trợ xã, thị trấn xây dựng giao thông, đa phần kinh phí đều do nhân dân đóng góp trong khi nhu cầu đầu tư lớn, cần huy động nhiều nên gặp khó khăn. Hầu hết các xã mới chỉ thuận lợi trong huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm, phần lớn hệ thống đường trục xã, liên xã đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đường NTM về cả quy mô (chiều rộng nền, mặt đường), chất lượng (nền, kết cấu mặt đường). Các tuyến đường do nhân dân đóng góp vốn xây dựng chủ yếu nâng cấp trên hiện trạng tuyến cũ đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền, mặt đường, đặc biệt không có lề đường, móng đường, rãnh thoát nước dọc; không có hệ thống cọc tiêu, biển báo... Do vậy chất lượng đường chưa cao, hiệu quả sử dụng kém, gây lãng phí và mất ATGT. Ngoài ra, để bảo vệ công trình, ngăn chặn xe quá tải lưu thông nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp hạn chế khả năng lưu thông như làm ba-ri-e, xây các trụ, cột trên mặt đường đã làm giảm tính kết nối giữa các tuyến đường, vi phạm quy định về trật tự ATGT, không phát huy được hiệu quả sử dụng, gây mất ATGT…
|
Thi công tuyến đường tránh Quốc lộ 38B, đoạn qua địa phận huyện Vụ Bản. |
Với chủ trương từng bước đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên hoàn, thông suốt toàn tuyến giao thông các cấp tỉnh - huyện - xã, phục vụ cho hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh xác định nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó quan tâm đầu tư các tuyến giao thông có khả năng kết nối, liên hoàn. Cấp tỉnh đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường kết nối tỉnh lộ với các quốc lộ, kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm quy mô vùng; các huyện chú trọng phát triển mạng lưới đường huyện kết nối với các xã; cấp xã chú trọng phát triển liên xã. Lộ trình phát triển hệ thống giao thông cụ thể: đối với cấp huyện giai đoạn 2016-2020 bảo đảm kết nối hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tới các xã, 100% đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch. Đến năm 2019 toàn tỉnh phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông. UBND tỉnh đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chủ trương đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, làm tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay Chính phủ đã có văn bản giao cho UBND tỉnh chủ trì nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; Bộ KH và ĐT đã có thông báo dự kiến vốn giai đoạn 2016-2020 cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và dự án xây dựng tuyến cao tốc từ Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, mỗi dự án là 1.000 tỷ đồng. Đang mở thầu dự án xây dựng cầu Thịnh Long. Dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ, Ninh Bình đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành lập dự án. Các địa phương cũng nỗ lực tìm giải pháp vượt khó, áp dụng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và thu hút mọi nguồn vốn đầu tư, trong đó chú trọng huy động vốn từ người dân, doanh nghiệp để tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Tại Nam Trực, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường 21B, Hoa - Lợi - Hải; cải tạo lát vỉa hè đường Vàng B; đang đôn đốc thực hiện 5 dự án mới bao gồm: đường 487; đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai xây dựng các tuyến đường Thanh Khê xã Nam Cường, đường Bình Sơn, Nam Dương - Nam Hùng, Nghĩa Đồng - Đồng Sơn, đoạn cống Ghềnh xã Nam Hải, đường 45m. Huyện Trực Ninh hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đường liên xã như: Hưng - Mỹ, đường Trung Đông - Trực Tuấn, đường Trực Chính - Phương Định…
Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về sự cần thiết xây dựng và phát triển hệ thống giao thông các cấp liên hoàn, thông suốt. Từ đó, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp bằng tiền, phí, đất đai, hoa màu… để phát triển hạ tầng giao thông; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch, thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Sở GTVT tăng cường hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát thi công, bảo đảm chất lượng công trình. Đặc biệt, Sở GTVT và các địa phương sẽ phối hợp rà soát, phát hiện và khẩn trương khắc phục các điểm bất cập, mất an toàn và chưa bảo đảm kỹ thuật để tất cả các công trình giao thông đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy