Thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp về ATVSLĐ, trong đó tập trung triển khai hoạt động huấn luyện công tác ATVSLĐ cho các chủ doanh nghiệp và người lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Huấn luyện ATVSLĐ là một trong những nội dung bắt buộc của công tác bảo hộ lao động nhằm cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, giúp người sử dụng lao động và người lao động thực hành tốt các quy định về ATVSLĐ, chủ động xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2016 đến nay, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tổ chức 160 lớp huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho 15 nghìn người là chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ và người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại trong các doanh nghiệp. Trong đó, Sở LĐ-TB và XH tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ cho 185 cán bộ làm công tác LĐ-TB và XH tại các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực và Thành phố Nam Định; tổ chức 4 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho 236 lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tổ chức 3 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho 150 người là báo cáo viên, lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại tại các doanh nghiệp. Tại các lớp tập huấn, huấn luyện, các học viên được quán triệt mục đích, ý nghĩa công tác ATLĐ, VSLĐ; những quy định của pháp luật về ATVSLĐ như quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ; chính sách, chế độ bảo hộ lao động đối với người lao động; huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho các doanh nghiệp; phương pháp xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ, xây dựng nội quy ATLĐ, VSLĐ; các yếu tố nguy hiểm, có hại gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; những kiến thức cơ bản về kỹ thuật ATLĐ, VSLĐ; phương pháp tự kiểm tra ATVSLĐ, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, các nguy cơ mất ATVSLĐ tại cơ sở; cách xử lý tình huống và các phương pháp sơ cứu người bị tai nạn lao động… Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp cũng như người lao động nâng cao nhận thức về vấn đề ATVSLĐ và tự giác thực hiện, đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố, các doanh nghiệp cũng tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, đặc biệt là người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu, CCN, các doanh nghiệp, đơn vị cũng tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, đặc biệt là người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Theo thống kê, trong năm 2016, các huyện, thành phố đã hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức 152 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 14.500 người sử dụng lao động và người lao động. Công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp đã dần đi vào nề nếp. Nhiều doanh nghiệp duy trì việc tuyên truyền kiến thức về ATVSLĐ nói riêng, pháp luật lao động nói chung cho người lao động thông qua “góc an toàn”, “phòng truyền thông về an toàn”, qua hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin; tiêu biểu như các doanh nghiệp: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty Điện lực Nam Định, Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Cty CP Dược phẩm Minh Dân, Cty CP Dệt lụa Nam Định (TP Nam Định); Cty TNHH Shin Myung First Vina (chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu), Cty TNHH Giày Amara Việt Nam (Trực Ninh)…
|
Sản xuất tại Cty CP Thương mại Chiềng Mai (Mỹ Lộc). |
Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Điều 102 Bộ luật Lao động quy định: Trước khi nhận việc, người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề phải được hướng dẫn, huấn luyện về ATVSLĐ và được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, thời gian huấn luyện ít nhất 2 ngày; người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, được kiểm tra, sát hạch và được cấp thẻ an toàn trước khi nhận việc, thời gian huấn luyện ít nhất 3 ngày… Song, do chủ quan, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động mang tính hình thức, đối phó, thậm chí có doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động… Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ. Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB và XH, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn lao động, làm 24 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng (không có người chết), thiệt hại ước tính 83 triệu đồng. Phân tích nguyên nhân tai nạn lao động, chủ yếu do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn biện pháp làm việc an toàn. Nhiều doanh nghiệp và cả người lao động còn thờ ơ với công tác ATVSLĐ.
Thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chính sách, chế độ bảo hộ lao động, các kiến thức ATVSLĐ. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố để làm hạt nhân tiếp tục tổ chức huấn luyện tại đơn vị, doanh nghiệp. Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp và người lao động cho các doanh nghiệp trọng điểm của các huyện, thành phố. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; xây dựng, trang bị đầy đủ nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, trang bị thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ cá nhân cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tự giác, chủ động thực hiện quy định về huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Minh Tân