Trên địa bàn Thành phố Nam Định có 13km đê cấp I thuộc hệ thống sông Hồng và sông Đào, 8km kè (kè Vạn Hà, kè Phù Long, kè sông Đào, kè Tam Phủ); 4 cống qua đê (cống Kênh Gia, cống Trạm bơm Kênh Gia, cống Ngô Xá, cống Vạn Diệp); 6km bối ở hai xã Nam Phong, Nam Vân và 6 khu nhà chung tầng, chung hộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các cấp, ngành, các công trình trên thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp nhưng hiện tại so với thiết kế, cao trình mặt đê, mái đê một số nơi chưa đủ đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai (PCTT) như K166-K167,3 (xã Nam Phong, gần cống Ngô Xá) và tại đoạn K4,26-K5,043 (phường Trần Quang Khải). Nhiều đoạn địa chất thân đê, nền đê yếu khi lũ cao (báo động II) xuất hiện thẩm lậu rò rỉ qua thân đê như tuyến đê hữu Hồng tại K166-K166+300 thuộc địa phận xã Nam Phong và tại K4-K5 (phường Trần Quang Khải). Thành phố đã xác định trọng điểm PCTT là khu vực đê Óng Bò, Ngô Xá (gồm cả cống Ngô Xá) cần xây dựng phương án bảo vệ riêng. Hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống tại 6km bối thuộc xã Nam Phong và Nam Vân cần được sơ tán khi có lũ trên báo động II. Bên cạnh đó, còn có 87 hộ dân với 297 nhân khẩu ở phường Nguyễn Du và Quân khu A phường Năng Tĩnh, phường Văn Miếu, phường Phan Đình Phùng sinh sống trong các ngôi nhà tạm, nhà cấp 4, khi có bão lớn cần được sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.
|
Kiểm kê vật tư dự trữ phòng chống thiên tai. |
Để công tác PCTT và TKCN năm 2017 đạt mục tiêu giữ vững an toàn tuyến đê thành phố, bảo vệ các công trình công cộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản; Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố Nam Định đã tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều trước mùa bão, lũ; xác định các trọng điểm xung yếu để có phương án bảo vệ. Trên cơ sở đó, thành phố đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện 3 phương án bảo vệ trọng điểm PCTT như: phương án hộ đê; phương án di dời dân thuộc diện nhà nguy hiểm; phương án phòng, chống ngập úng trên địa bàn. Tổ chức tập huấn PCTT cứu hộ đê giờ đầu cho các lực lượng xung kích và lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm canh đê của các phường, xã. Thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh “Về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định”, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tổ chức rà soát, kiểm tra, lập biên bản xử lý các vi phạm trên các tuyến đê, công trình thủy lợi: tháo dỡ 1 lều quán; 12 đăng, đó, vó, bè; xử lý vi phạm dòng chảy, lòng kênh 15 nghìn m
2; chỉ đạo xã Nam Phong đã phối hợp với Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh và các ngành chức năng của thành phố xử lý vi phạm của 64 hộ lấn chiếm kênh tiêu CT2 trả lại kênh tiêu nước và mỹ quan cho địa phương. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo Cty Công trình Đô thị Nam Định tiến hành 3 đợt cắt hạ cây già cỗi, nguy hiểm với tổng số 443 cây các loại; tăng cường nạo vét các tuyến mương, cống; tích cực khơi thông các dòng chảy đảm bảo thoát nước kịp thời; xử lý 90 hố sụt trên đường phố, thay thế 100 tấm đan gãy hỏng, đúc dự phòng 150 tấm đan các loại; duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các máy bơm tại Trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia đáp ứng nhu cầu thoát nước đô thị. Hệ thống điện trang trí và chiếu sáng công cộng được kiểm tra, sửa chữa, chằng buộc khi bão đổ bộ vào thành phố, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn tài sản tính mạng của nhân dân; đã tiến hành sửa chữa 31/35 nhà nguy hiểm. Năm 2017, thành phố đã tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh sách xây dựng phương án sửa chữa 81 nhà. Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn thành phố có tổng số 637 hộ; 1.791 nhân khẩu ở nhà thuộc sở hữu Nhà nước cần phải di chuyển khi có bão lũ xảy ra. Trong 637 hộ, Cty Công trình đô thị Nam Định đã xây dựng phương án để các hộ tự di chuyển là 17 hộ với 56 nhân khẩu, còn 620 hộ với 1.735 nhân khẩu (tập trung tại các phường như: Nguyễn Du, Năng Tĩnh, Trần Đăng Ninh, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...) phải di chuyển theo phương án chung đã được thống nhất hiệp y với các phường, xã. Đồng thời, thành phố chỉ đạo nghiêm các đơn vị nêu cao tinh thần “phòng là chính” thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Yêu cầu ngoài vật tư dự trữ chống lụt, bão thuộc nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, tập kết tại các vị trí xung yếu gồm 2.096m
3 đá dự trữ đặt tại kè Tam Phủ, cống Ngô Xá, cống Kênh Gia; trên 12 nghìn m
2 vải lọc, 3.613 chiếc bao ni-lông, gần 16,4 nghìn kg dây thép và 50kg dây ni-lông tại Hạt Quản lý đê thành phố; 15 nhà bạt, 564 phao các loại tập kết tại Phòng Kinh tế thành phố… Ngoài ra, các phường, xã phải chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như: tre, rào… đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định của Luật Đê điều. Để đảm bảo thoát nước khu vực nội thành, thành phố đã chỉ đạo Cty Công trình đô thị Nam Định vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống tiêu, thoát nước, các trạm bơm Quán Chuột, Kênh Gia bảo đảm lưu thông trên toàn tuyến, cơ bản rút hết nước toàn thành phố sau 1 giờ khi có mưa lớn. Các đơn vị khác như Cty Điện lực thành phố, Đài phát thanh thành phố đảm bảo chế độ thông tin tổng hợp thường xuyên, liên tục nhất là trong tình huống có bão, lũ. Củng cố hệ thống thông tin, tăng cường chất lượng dự báo, cảnh báo, đảm bảo thông tin kịp thời đến tận người dân để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ban CHQS thành phố hiệp đồng với lực lượng quân đội trong và ngoài tỉnh ứng cứu khi có tình huống lũ, bão lớn xảy ra trên địa bàn thành phố. Mỗi phường, xã phải xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm riêng. Đối với những địa phương có đê như phường Trần Quang Khải, xã Nam Phong phải xây dựng phương án hộ đê tại chỗ và tập huấn cho lực lượng xung kích hộ đê. Đồng thời các phường, xã cũng phải xây dựng phương án đối phó với siêu bão khi đổ bộ vào thành phố.
Cùng với việc tập trung lực lượng, dự trữ vật tư ứng phó với bão, lũ, các ngành chức năng của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm đê điều theo quy định. Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTT và TKCN sớm, kịp thời, Thành phố Nam Định quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống bão lũ đề ra trong mùa mưa bão năm 2017./.
Bài và ảnh:
Thành Trung