Phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Nam Trực

09:06, 01/06/2017
Liên đoàn Lao động huyện Nam Trực hiện quản lý 161 công đoàn cơ sở với tổng số 9.700 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Những năm qua, các cấp Công đoàn huyện đã phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trong đó nổi bật và hiệu quả nhất là phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH NN và PTNT, góp phần vào việc xây dựng NTM, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Cty TNHH Longyu Việt Nam, xã Tân Thịnh (Nam Trực) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Cty TNHH Longyu Việt Nam, xã Tân Thịnh (Nam Trực) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Theo đó phong trào được triển khai chú trọng vào các chương trình, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Các cấp công đoàn và CNVCLĐ trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng cao; thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Các công đoàn trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tích cực nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất; giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất và chăn nuôi; áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phối hợp với chuyên môn làm tốt khâu dịch vụ như giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu; phối hợp tổ chức dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân; nghiên cứu và thực thi các giải pháp về chính sách giúp người dân được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nỗ lực tìm kiếm và có giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, nông nghiệp của huyện đã phát triển khá toàn diện, tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng; thu nhập bình quân trên một ha canh tác năm 2016 đạt 105 triệu đồng. Qua đó hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao như vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông ở các xã, thị trấn dọc tuyến đường Vàng; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các xã Điền Xá, Nam Toàn, Nam Mỹ; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung ở các xã Hồng Quang, Nghĩa An, Nam Thái; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Nghĩa An, Nam Thắng, Nam Toàn... Bên cạnh đó, trong lĩnh vực CN, TTCN, CNLĐ đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Nhiều cụm, điểm công nghiệp được quy hoạch, phân vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động nông thôn. 3 CCN Nam Hồng, Đồng Côi, Vân Chàng và một số điểm công nghiệp được lấp đầy. Toàn huyện hiện có trên 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và 220 doanh nghiệp, 7 làng nghề, trong đó có 4 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện năm 2016 đạt 4.390 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào “Công đoàn Nam Định chung sức xây dựng NTM” được các cấp công đoàn trong huyện tích cực hưởng ứng. CNVCLĐ đã tham gia, đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Riêng năm 2016, LĐLĐ huyện tổ chức phát động CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn đóng góp trên 125 triệu đồng, hỗ trợ cho 6 xã (Nam Lợi, Nam Thanh, Nam Tiến, Hồng Quang, Nam Dương, Nam Thắng) xây dựng nhà văn hoá và mua BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Ngoài ra, LĐLĐ huyện còn chỉ đạo rà soát xây dựng kế hoạch và phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện đi kiểm tra các xã, cơ quan, đơn vị về việc công nhận lại làng văn hoá và cơ quan văn hoá, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay toàn huyện có trên 90% phòng học được mái bằng hóa. 24/33 trường mầm non, 33/33 trường tiểu học, 16/22 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó 17 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức 2 và 29 trường đạt chẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. 18/20 xã, thị trấn, người dân đã được sử dụng nước sạch. 14/20 xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế. 17/20 xã, thị trấn có nhà văn hóa và 214 nhà văn hóa khu dân cư, từng bước đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. 289/397 thôn, xóm đạt khu dân cư văn hóa... 
 
Với đóng góp tích cực của đội ngũ CNVCLĐ trong phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH NN và PTNT, đến hết năm 2016, 9/20 xã của huyện Nam Trực đã được công nhận xã NTM. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,82%. Năm 2017, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM ở 11 xã, thị trấn còn lại, quyết tâm toàn bộ 20/20 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng NTM năm 2018 để đến năm 2019, huyện được công nhận là huyện NTM./.  
 
Bài và ảnh: Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com