Với người làm báo, những lần đi cơ sở đều để lại những cảm xúc, những kỷ niệm khó quên. Đó là những trải nghiệm đáng quý và là động lực để mỗi nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp lại sự tin yêu của độc giả.
Tôi yêu thích nghề báo từ ngày còn học phổ thông và người truyền cảm hứng cho tôi là bố tôi, một người có hơn 30 năm làm ở báo tỉnh. Qua những chuyện kể của bố, tôi hiểu nghề báo vất vả, gian khổ nhiều; dù là phóng viên, biên tập viên hay họa sĩ. Kể sao được vất vả của những phóng viên ảnh luôn túc trực đêm ngày cùng với các đơn vị quân sự ở Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (TP Nam Định), Thịnh Long (Hải Hậu), Giao Thủy... để chụp khoảnh khắc quân và dân ta bắn rơi máy bay địch; những chuyến công tác của phóng viên đến các vùng quê trong tỉnh Hà Nam Ninh bằng chiếc xe đạp cà tàng, đôi lốp buộc cao su, ăn ngủ cùng cơ sở; những đêm Ban biên tập, phòng Tòa soạn phải ở lại duyệt tin bài, maket báo để kịp ra báo ngày mai. Với riêng đội ngũ phóng viên, không chỉ lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải chịu áp lực về thời gian khi làm tin, nộp bài đúng ngày giờ. Nghề nào, nghiệp ấy (!). Với nghề báo luôn đòi hỏi thông tin chính xác và tinh thần trách nhiệm rất cao. Những người làm báo tỉnh lâu năm vẫn nhắc lại câu chuyện về nữ phóng viên đi phỏng vấn một người dân ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) nhưng quên hỏi tên nhân vật. Trách nhiệm với công việc, với độc giả, nên ngay ngày hôm sau, chị lại phải đạp xe về Thị trấn Thịnh Long với quãng đường hơn 70km để hỏi tên nhân vật phỏng vấn và thêm các nội dung khác để hoàn thiện bài báo cho kịp thời gian. Điều đọng lại trong bố tôi và những nhà báo lão thành đó là tình cảm của lãnh đạo các địa phương, đơn vị, người dân đối với phóng viên Báo
Nam Định rất chân thành, cởi mở. Không chỉ cung cấp thông tin nhiệt tình, người dân còn sẵn sàng bố trí nơi ăn, nghỉ cho phóng viên nếu có dịp về làm việc. Nhiều bài báo của Báo
Nam Định chứa đựng hơi thở của cuộc sống, được giải báo chí quốc gia đều từ lăn lộn với cơ sở của đội ngũ phóng viên mà ra.
|
Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện thể thao của tỉnh. |
Với những hiểu biết về nghề báo từ bố, tôi hăm hở bước vào nghề báo với bao dự định. Gắn bó với nghề, với công việc là phóng viên, tôi nhanh chóng nhận ra có muôn bài học về nghề báo mà chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được. Nghề báo tuy vất vả nhưng luôn mang lại nhiều cảm xúc. Những chuyến đi đến khắp các vùng quê trong tỉnh chúng tôi thường nói vui là những chuyến dã ngoại bổ ích vì được tìm hiểu thêm về phong cảnh, con người; những cuộc tiếp xúc ấn tượng với nhiều người từ lãnh đạo địa phương đến những người nông dân chân lấm tay bùn... Càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn giúp chúng tôi càng thêm yêu cuộc sống. Tuy nhiên, điều ấn tượng với tôi là những hiệu ứng xã hội sau khi các bài báo được đăng. Còn nhớ năm 2007, khi về Giám mục Bùi Chu công tác, tôi tình cờ biết tới Cô nhi viện Thánh An qua sự giới thiệu của một số giáo dân. Qua tiếp xúc với những người quản lý Cô nhi viện, tôi được biết đây là nơi cưu mang những em nhỏ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng do lầm lỡ của cha mẹ, hay do bị nhiễm chất độc da cam mà bị xa lánh và cả những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Những người trực tiếp nuôi dưỡng các cháu, các cụ bằng tất cả tấm lòng, không đòi hỏi điều gì là các sơ và một số phụ nữ không lập gia đình ở các xã xung quanh. Khó khăn nhất đối với Cô nhi viện đó là chi phí cho hàng chục con người ăn uống, sinh hoạt mỗi tháng lên tới hàng triệu đồng, chủ yếu từ sự ủng hộ của các giáo dân trong giáo phận. Từ những xúc cảm về Cô nhi viện và những cuộc đời nơi đây, tôi đã nhanh chóng viết bài “Mái ấm tình thương nơi xứ đạo” đăng trên Báo
Nam Định cuối tuần và được Ban biên tập khen thưởng. Tuy nhiên, điều tôi vui nhất là qua bài báo đã có nhiều nhà hảo tâm tìm đến Cô nhi viện Thánh An giúp đỡ cả vật chất, tinh thần để cuộc sống của những trẻ em và các cụ già nơi đây bớt khó khăn. Bạn bè của tôi còn quyên góp ủng hộ quần áo, chăn đến tặng các đối tượng khó khăn trên của Cô nhi viện Thánh An vào các dịp lễ Giáng sinh. Cũng mang lại hiệu ứng độc giả tích cực là bài viết của tôi về anh H ở phường Văn Miếu (TP Nam Định). Anh H là đối tượng nhiễm HIV có tiền sử nghiện ma túy lâu năm. Mặc dù đã đoạn tuyệt khỏi ma túy, tự nguyện làm đồng đẳng viên HIV đi vận động, phát tờ rơi, bơm kim tiêm cho các đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV nhưng hoàn cảnh gia anh gặp rất nhiều khó khăn từ sự kỳ thị đối xử của người dân xung quanh. Thời điểm năm 2006, người dân vẫn chưa hiểu, hoặc hiểu không đúng về sự lây truyền của HIV. Nhiều người không nói chuyện, bắt tay với những người trong gia đình anh vì sợ lây nhiễm, còn khách hàng đến may quần áo của vợ anh thưa thớt dần, con cái anh chị đi học không có bạn bè chơi... Sau khi được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh giới thiệu, tôi tìm gặp anh để tìm hiểu. Bài viết về anh H đã nói về hoàn cảnh gia đình cùng những khó khăn anh chị và các cháu gặp phải, về sự vươn lên của bản thân anh H, đồng thời cũng có thêm ý kiến của các chuyên gia y tế cung cấp thông tin về việc không lây truyền của HIV qua các việc tiếp xúc bình thường... Bài viết được đăng trên số báo Tết Nguyên đán đã tăng thêm giá trị thông tin với bạn đọc. Sau khi báo đăng, tôi có đến nhà anh H chơi. Anh cho biết, chi bộ, chính quyền tổ dân phố đã tuyên truyền, vận động người dân không phân biệt đối xử với gia đình anh, kêu gọi mọi người giúp đỡ để gia đình anh vươn lên. Khách hàng may quần áo của vợ anh dần đến trở lại. Ngoài làm đồng đẳng viên HIV, anh H còn được một Cty bảo vệ thu nhận làm việc, cuộc sống nhờ đó đỡ vất vả hơn...
Nghề báo có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng chúng tôi tâm niệm rằng, khi đã chọn nghề báo phải luôn luôn giữ mình “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để tiếp tục đi, viết, trải nghiệm, sáng tác ra các tác phẩm báo chí có chất lượng phản ánh hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc./.
Bài và ảnh:
Thanh Ngọc