Từ khi phong trào khuyến học, khuyến tài được phát động sâu rộng trong toàn huyện Nam Trực, xã Nam Lợi đã luôn là đơn vị dẫn đầu và là địa phương đầu tiên của tỉnh được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc. Hiện tại, xã có khoảng 400 người có trình độ đại học, 23 người có học vị tiến sĩ, 3 người có học hàm phó giáo sư, 3 người được phong hàm cấp tướng. Nhiều người đã và đang giữ cương vị cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, là tấm gương sáng trên con đường học để lập thân, lập nghiệp cho các thế hệ con cháu noi theo.
|
Dòng họ Vũ Đình thôn Bằng Hưng, xã Nam Lợi trao phần thưởng cho các em học sinh giỏi của dòng họ. |
Người dân Nam Lợi xưa nay vẫn lưu truyền câu chuyện của cụ Trần Văn Tri, người thôn Duyên Hưng: Hơn 90 năm trước, sau khi bôn ba đất khách quê người, tuổi 40 cụ Trần Văn Tri mới trở về làng. Có chút vốn liếng, cụ không theo cái “chí”, “ruộng sâu trâu nái” để làm giàu, mà dành trọn số tiền chắt chiu được đầu tư cho việc học hành của con cái. Sau này, năm người con của cụ đều trở thành những nhà giáo đức độ, có uy tín; cháu đích tôn trở thành tiến sĩ và trên ba chục con, cháu, chắt… là bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo. Noi gương cụ Trần Văn Tri, nhiều gia đình trong xã dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng chắt chiu cho con cháu học hành. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thời nào, họ nào cũng có người ham mê đèn sách, học nhân cách làm người, hiểu đường ăn lẽ ở, có tri thức làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đất nước. Nhiều nhà giáo của xã không chỉ hết lòng dạy dỗ học sinh khi còn đứng trên bục giảng mà sau khi về hưu vẫn miệt mài dìu dắt, dạy dỗ con em khắp trong xóm ngoài làng. Tiêu biểu như nhà giáo Trần Thận đã có hàng chục năm dạy học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi không lấy tiền công. Vợ thầy Thận cũng cùng sớm khuya lo cơm nước cho các cháu đến ăn học ngay tại nhà… Cách đây 20 năm, xã Nam Lợi đã từng có nhiều học sinh tiêu biểu như: Vũ Kim Tuấn, thôn Đô Thượng, Trần Minh, thôn Duyên Hưng đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc môn Toán quốc tế. Bốn anh em: Vũ Kim Huyền, Vũ Kim Tuấn, Vũ Kim Thủy, Vũ Kim Thư đều tốt nghiệp đại học, trong đó 3 người có học vị tiến sĩ… Năm 1997, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, với truyền thống của quê hương, “sự học” của xã Nam Lợi tiếp tục có nhiều khởi sắc. Năm nào, xã cũng có hàng chục học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện đến cấp quốc gia, có em đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi học sinh giỏi khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gần đây nhất, năm 2011 em Nguyễn Việt Hoàng, thôn Đô Đò đoạt giải Nhì môn Hóa học quốc tế. Năm 2014, em Vũ Ngọc Thiệp đoạt giải Nhì môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2015-2016, em Lương Đức Thịnh đoạt giải Nhì môn Toán tại cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng. Số gia đình có con học hành thành danh phải kể đến bà Nguyễn Thị Phiến, ông Nguyễn Mạnh Hùng thôn Đô Đò; ông Vũ Trọng Khiên, Trần Minh Thế thôn Duyên Hưng; Đoàn Quốc Lập thôn Biên Hòa; Nguyễn Hải Âu thôn Đô Quan. Đặc biệt gia đình ông Vũ Văn Cầm, thôn Quần Lao làm nông nghiệp tằn tiện tích góp để nuôi 4 con tốt nghiệp đại học, trong đó có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ. Vợ chồng ông đã được Đài
Truyền hình Việt Nam mời tham dự chương trình “Người đương thời”. Bà Ngô Thị Hải, thôn Duyên Hưng, ngoài thời gian làm ruộng, lúc nông nhàn lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ thu mua đồng nát nuôi 4 người con tốt nghiệp đại học. Hằng năm, việc khen thưởng cho học sinh giỏi, giáo viên giỏi, giúp đỡ cho học sinh nghèo có điều kiện đến trường luôn được Hội Khuyến học xã và các chi hội dòng họ, thôn làng quan tâm chăm lo. Những người con của quê hương Nam Lợi, dù đang công tác ở đâu cũng đều một lòng dõi theo sự học hành, thành đạt của con trẻ. Bằng nguồn quỹ quyên góp được, đã giúp được nhiều em con gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. Hằng năm, toàn xã có khoảng 70 học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp quốc gia, 40-45 em đỗ vào các trường đại học.
Phong trào khuyến học phát triển rộng khắp và hiệu quả là do sự tự nguyện và tâm huyết của nhiều người, nhiều gia đình, dòng họ và các thôn xóm luôn quan tâm đến việc học của con cháu. Không chỉ quan tâm đầu tư, tạo điều kiện giúp các trường học nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà xã Nam Lợi còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, không có học sinh nào phải bỏ học giữa chừng. Hiện tại, xã đã có 23 chi hội, ban khuyến học hoạt động nền nếp. Toàn xã có gần 1.500 hội viên, 743 gia đình hiếu học, 13 dòng họ được Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực tặng bức trướng “khuyến học, khuyến tài”. Hiện quỹ khuyến học của xã có trên 1 tỷ đồng, trong đó Hội Khuyến học xã quản lý 372 triệu đồng để khen thưởng, động viên thầy và trò các trường học tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh