Gỡ khó trong xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ

08:06, 19/06/2017
Hành lang an toàn (HLAT) đường bộ có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông, có vị trí chiến lược trong phát triển giao thông và các kết cấu hạ tầng khác như điện lực, đường nước. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ HLAT đường bộ, trong đó có HLAT của các tuyến quốc lộ được Nhà nước đặc biệt coi trọng, quy định trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành và chính quyền địa phương. 
 
Nhà nước quy định ngoài hành lang lộ giới, khi xây dựng công trình buộc áp dụng thêm khoảng lùi xây dựng tùy cấp đường, trong đó đối với quốc lộ lùi 10m. Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ (10, 21, 21B, 37B, 38B) với tổng chiều dài là 269,75km đã và đang được nâng cấp, cải tạo, bảo đảm êm thuận phục vụ tốt nhu cầu lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, Cục Quản lý đường bộ I quản lý tuyến Quốc lộ 10 và Quốc 1ộ 21B (km85+600 đến Km90+170); Sở GTVT quản lý 3 tuyến Quốc lộ gồm 21, 37B, 38B và đoạn tuyến Quốc lộ 21B còn lại (Km100+538 đến Km156+800). Tuy nhiên, cũng như trên toàn quốc, công tác quản lý, bảo vệ HLAT quốc lộ của tỉnh ta còn nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm HLAT đường bộ trên các tuyến quốc lộ ngày càng phức tạp, phổ biến nhất hiện nay là lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình nhà ở, lều quán, xây dựng các KCN, khu dân cư… sát quốc lộ hoặc đấu nối đường nhánh trực tiếp vào quốc lộ dẫn đến đô thị hóa các tuyến đường, mặt đường bị thu hẹp, tạo ra các xung đột bất ngờ cho phương tiện lưu thông trên hướng chính, phá vỡ các chỉ tiêu kỹ thuật ban đầu của tuyến đường, làm phức tạp cho việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. 
 
Để lập lại trật tự HLAT quốc lộ, tỉnh ta đã bám sát tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương: tiếp tục xác định và duy trì hệ thống HLAT đường bộ; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào quốc lộ, các công trình phụ trợ bảo vệ HLAT đường bộ nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT đường bộ. Để đạt mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh đã tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn về các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của các bộ, ngành liên quan đến công tác lập lại trật tự HLAT quốc lộ nói riêng và lập lại trật tự HLAT đường bộ nói chung. Bên cạnh đó, các địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương hoàn tất việc cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLAT đường bộ. Đồng thời tập trung thực hiện lộ trình UBND tỉnh đã đặt ra, phấn đấu đến hết năm 2017, thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong HLAT đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT của các tuyến quốc lộ từ cấp I đến cấp III, khu vực các nút giao, vị trí “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong HLAT đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở. Từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục triển khai cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất HLAT đường bộ, thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong HLAT cho các hộ dân liên quan theo quy định. Bàn giao phần đất của đường bộ cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ; phần đất HLAT đường bộ cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ. Tiếp tục triển khai xã hội hóa khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 
Tu sửa, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ tại địa phận Thành phố Nam Định.
Tu sửa, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ tại địa phận Thành phố Nam Định.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực tế, tại các địa phương đã gặp nhiều khó khăn do quy chế phối hợp quản lý giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, thiếu kiểm tra thường xuyên, không xử lý kiên quyết khi vi phạm. Chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở và các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, né tránh không xử lý ngăn chặn vi phạm ngay khi mới phát sinh. Có nhiều trường hợp vi phạm đã được chỉ đạo, lập biên bản đình chỉ thi công nhưng chính quyền địa phương vì nhiều lý do, vẫn chưa tích cực vào cuộc xử lý. Bên cạnh đó, do các công trình vi phạm nằm trong HLAT quốc lộ đã tồn tại quá lâu, việc xác định mốc thời gian vi phạm, đối tượng vi phạm rất khó khăn do có những thay đổi của chính sách quản lý đất đai, quy định của pháp luật về quản lý HLAT đường bộ. Việc giải tỏa các công trình xây dựng trong HLAT quốc lộ qua các giai đoạn hầu như chỉ được thực hiện bằng việc tuyên truyền, giải thích để người vi phạm tự nguyện thực hiện mà chưa có đủ kinh phí đền bù, hỗ trợ. Khi tiến hành cải tạo, nâng cấp sửa chữa các tuyến quốc lộ, do kinh phí còn hạn hẹp nên ở hầu hết các công trình, chủ đầu tư dự án chỉ giải phóng phần mặt bằng trong phạm vi công trình chiếm dụng vĩnh viễn. Điều này dẫn đến còn tồn tại nhiều công trình nằm trong HLAT đường bộ được xây dựng trên đất thổ cư, đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo thống kê của Sở GTVT, trừ tuyến Quốc lộ 21B (Km100+538 đến Km156+800) chưa thực hiện rà soát, thống kê, phân loại do mới nâng cấp lên quốc lộ, còn lại trong HLAT của các tuyến đường do Sở quản lý có 2.452.144m 2 đất, 428.631 ngôi nhà vĩnh cửu, bán vĩnh cửu, 15.734 ki ốt, 216.664 mái che, 9.476 cây xanh, 2.436 công trình khác... cần giải tỏa với tổng mức đền bù dự kiến là 6.507 tỷ 466 triệu đồng. Bên cạnh đó, thống kê đất sử dụng của đường bộ trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT quản lý có 306.707m 2 đất hợp pháp và 3.035 công trình thuộc tài sản trên đất hợp pháp chưa đền bù, thu hồi; dự kiến mức đền bù là 550 tỷ 481 triệu đồng. Thống kê các đoạn tuyến HLAT mất ATGT, nút giao, điểm đen, điểm mất ATGT cần giải tỏa trên các tuyến quốc lộ có 41.054m 2 đất, 792 nhà vĩnh cửu, bán vĩnh cửu, 1.445 mái che, 562 cây xanh, 40 công trình khác... cần đền bù, giải tỏa với tổng vốn dự kiến là 27 tỷ 218 triệu đồng. Theo quy định về bảo vệ HLAT đường bộ thì các công trình xây dựng trong HLAT quốc lộ thuộc loại cần phải giải tỏa nhưng hiện chưa giải tỏa được vì thiếu kinh phí, thiếu các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây là vướng mắc lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý HLAT đường bộ và xử lý những vi phạm phát sinh. Tại huyện Nam Trực, địa phương được đánh giá là tích cực tập trung xử lý vi phạm, giải tỏa HLAT đường bộ, trong đó có HLAT quốc lộ cũng gặp phải hầu hết các khó khăn kể trên. Trong đó, các vướng mắc khó tháo gỡ nhất trong giải tỏa HLAT quốc lộ là xác định nguồn gốc đất các hộ được cấp qua nhiều giai đoạn khác nhau, phần đất hành lang do đó không thống nhất, việc xác định phần đất lưu không gặp nhiều khó khăn. 
 
Để giải quyết những vướng mắc này, ngành GTVT đã phối hợp với huyện Nam Trực nghiên cứu kỹ thực trạng và các quy định hiện hành để thống nhất hướng xử lý trên quan điểm xuyên suốt là giải phóng HLAT đường bộ để tạo ra đường thông, hè thoáng phải bảo đảm nguyên tắc: Đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trái phép trong HLAT đường bộ thì lập biên bản yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân tự tháo dỡ phần vi phạm. Đối với các trường hợp sử dụng đất hợp pháp thì xử lý như sau: Trường hợp công trình có trước khi quy định về quản lý HLAT đường bộ có hiệu lực, đúng mục đích sử dụng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền cấp, không ảnh hưởng đến ATGT thì được tiếp tục sử dụng. Công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng đất HLAT đường bộ nhưng chưa ảnh hưởng đến ATGT, an toàn công trình đường bộ được tạm thời tồn tại nhưng phải cam kết với UBND cấp xã và đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới, mở rộng. Trường hợp công trình bị xuống cấp, chưa được Nhà nước đền bù, giải tỏa và người sử dụng có nhu cầu sử dụng, UBND cấp xã và cơ quan quản lý tuyến đường kiểm kê đất, tài sản trên đất để có cơ sở đền bù hoặc thống nhất phương án sửa chữa. Khi có yêu cầu thu hồi đất để nâng cấp, cải tạo công trình giao thông thì chủ đầu tư phải bồi thường, hỗ trợ cho chủ công trình bị dỡ theo quy định của pháp luật. 
 
Để đạt hiệu quả cao trong công tác lập lại trật tự HLAT quốc lộ, Sở GTVT chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trên cơ sở kết quả rà soát vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLAT đường bộ, phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các địa phương trong công tác cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà chủ công trình không tự tháo dỡ và công trình xây dựng trái phép. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên của các đơn vị quản lý đường bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ tuần kiểm, lãnh đạo phụ trách nhằm phát hiện sớm các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kịp thời ngăn chặn, xử lý. Tại các huyện cũng đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ HLAT đường bộ./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com