Chuyện dạy thêm, học thêm nhiều năm nay đã trở thành “vấn nạn”, gây bức xúc trong xã hội. Chuyện học thêm, dạy thêm, nhất là vào dịp hè đang ngày càng biến tướng với đủ loại hình và có nhiều điều đáng phải suy ngẫm.
Tại Thành phố Nam Định, nhiều phụ huynh và học sinh khẳng định, ngay sau khi kết thúc năm học, hầu hết các em đều nhận được lịch học của giáo viên chuẩn bị dạy các em vào năm học mới qua buổi họp phụ huynh cuối năm. Thông thường, các lớp học thêm sẽ bắt đầu từ 15-6 nhưng cũng có lớp học ngay sau khi tổng kết năm học được khoảng một tuần. Như vậy, học sinh chỉ được nghỉ hè vẻn vẹn có khoảng 2 tuần. Có lớp tuần học 4 buổi, thậm chí có lớp học vào tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ 7 và chủ nhật. Chị Lan nhà ở đường Lê Thánh Tông (TP Nam Định) bức xúc: Tôi không cấm các con học thêm nhưng việc học thêm ngay sau khi kết thúc năm học được một tuần là không thể chấp nhận được. Việc học thêm đã diễn ra quanh năm rồi; nghỉ hè phải để các con “xả hơi” sau quãng thời gian dài miệt mài học tập. Giờ các cô chuẩn bị dạy lớp con tôi trong năm học mới mở lớp dạy “nhắn nhủ” việc học thêm tới phụ huynh, thậm chí có cô còn nhắn tin vào điện thoại của tôi lịch học thêm trong tuần khiến gia đình tôi và con tôi thấy rất bức xúc(!). Nhưng nghe con nói các cô hay dạy chương trình mới nên cuối cùng tôi vẫn “tự nguyện” cho con đi học. Còn chị Hương ở đường Văn Cao (TP Nam Định) có con chuẩn bị bước vào lớp 9, đặt nhiều kỳ vọng vào con, chị cất công xin cho cháu đi học thêm nhiều môn với mong muốn cháu được học hỏi thêm kiến thức ngoài những nội dung học trên lớp để chuẩn bị hành trang cho việc thi tuyển vào lớp 10. Trong năm học, ngoài thời gian học ở trường, buổi tối cháu vẫn đi học thêm. Mùa hè đến, cháu lại càng vất vả vì chuyện học hành. Vừa học xong buổi sáng, về đến nhà, cháu chỉ ăn vội bát cơm rồi lại cắp sách đi học buổi chiều. Nghỉ hè nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, hầu như cháu không có thời gian được nghỉ ngơi bởi theo mẹ cháu và suy nghĩ của cháu thì vào hè không đi học thêm, các bạn đều học trước chương trình, vào năm học mới, không thể theo kịp các bạn(?).
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) đọc sách trong thư viện. |
Băn khoăn của chị Hương, chị Lan cũng là tâm tư của nhiều gia đình trên địa bàn thành phố có con cái đang đi học thêm ở tất cả các bậc học. Vì áp lực học hành nên hiếm có học sinh nào được hưởng một mùa hè trọn vẹn. Bởi, nghỉ hè đồng nghĩa với việc đi học thêm. Không được nghỉ hè nhiều như quy định đã đành, phụ huynh lại phải gánh một khoản phí không nhỏ khi cho con học thêm, với khoảng 35-50 nghìn đồng/buổi. Mặc dù cường độ học tập trong hè ít hơn nhưng do vừa trải qua một năm học căng thẳng nên hầu như các em đều cảm thấy không thoải mái trong việc học. Nhưng do thầy cô “chủ động” mở lớp dạy thêm tại nhà và do tâm lý của cha mẹ luôn lo sợ trong thời gian nghỉ hè nếu lơ là với việc ôn tập lại kiến thức, đến khi vào năm học mới các em sẽ quên và khó vào “nếp”; vả lại, nhiều phụ huynh dù muốn con được thoải mái vui chơi trong hè nhưng thấy các gia đình khác cho con đi học thêm, học trước chương trình nên cũng không yên tâm để con ở nhà. Thực tế, việc học thêm không phải là không cần thiết với học sinh, nhất là để bù lại những “lỗ hổng” kiến thức đối với những em yếu kém; nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp đối với những học sinh khá giỏi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy hầu hết việc đi học thêm hiện nay, nhất là học thêm trong hè đều không nhằm mục đích trên mà chủ yếu là học trước chương trình của năm học mới. Theo quy định thì các trường, giáo viên không được dạy thêm, học thêm trong hè ở tất cả các cấp học, bậc học trong thời gian từ khi bắt đầu nghỉ hè đến hết tháng 7. Đầu tháng 8, việc dạy thêm, học thêm cũng chỉ được tổ chức cho học sinh có học lực yếu kém, các em trong diện phải thi lại và việc dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay tại nhà trường. Còn trong năm học, tất cả các giáo viên có nhu cầu dạy thêm phải được sự đồng ý của nhà trường; việc dạy thêm cũng không được quá 3 buổi/tuần. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện quy định như thế nào lại là chuyện của các thầy, cô giáo(!). Mặt khác về phía phụ huynh, thấy “nhà nhà học thêm, người người học thêm” nên phần lớn đều lo lắng nếu con mình không đi học thêm sẽ không theo kịp các bạn. Thực tế việc dạy thêm, học thêm khiến phụ huynh mệt mỏi, bức xúc bởi không chỉ diễn ra trong dịp nghỉ hè mà kéo dài suốt cả năm học. Trong khi Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT cũng ra nhiều văn bản cấm dạy thêm, học thêm, nhưng chỉ là chuyện “đánh trống bỏ dùi”, vì việc dạy thêm, học thêm đang trở thành một “vấn nạn” và vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các trường kể từ mẫu giáo trở lên đành chấp nhận “sống chung” với dạy thêm, học thêm. Trên thực tế do công tác quản lý chưa chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.
Mong rằng từ ý thức về trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp của các thầy, cô giáo và từ sự quản lý nghiêm minh của hệ thống nhà trường, sự “vào cuộc” quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ sớm được khắc phục. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT cũng cần yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc hơn việc nghiệm thu chất lượng giáo dục, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm./.
Bài và ảnh:
Thảo Linh