Xung quanh vấn đề tăng giá viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế

08:05, 16/05/2017
Hiện nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa, bệnh (KCB) với 36 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bao gồm: 26 cơ sở KCB công lập, 8 cơ sở KCB ngoài công lập, 10 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, 20 BV tuyến huyện và tương đương, 6 trạm y tế cơ quan, đơn vị trường học, tạo thuận lợi cho người dân và đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT. Đến ngày 1-5-2017, toàn tỉnh có 1.372.070 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 73,9%. Hiện nay, gần 26% người chưa tham gia BHYT ở tỉnh ta khi đi KCB vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Trong khi đó, trong năm 2016 Quỹ BHYT đã chi trả phần lớn chi phí thay cho những người KCB BHYT mức giá dịch vụ y tế kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-6-2016 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Theo đó, thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.
BHXH tỉnh tổ chức đối thoại chính sách BHYT tại xã Tam Thanh (Vụ Bản).
BHXH tỉnh tổ chức đối thoại chính sách BHYT tại xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Đồng chí Vũ Ngọc Hỏa, Trưởng Phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh cho biết: Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; Giá dịch vụ ngày giường điều trị; Giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV. Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở BV hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39 nghìn đồng/lượt; hạng 2 là 35 nghìn đồng/lượt; hạng 3 là 31 nghìn đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29 nghìn đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226 nghìn đồng/ngày. Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong Thông tư 02, mặc dù mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng 20-30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn; thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao. Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu đồng lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575 nghìn đồng tăng lên 793 nghìn đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220 nghìn đồng lên 385 nghìn đồng. Theo Thông tư 02, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng BV, còn lại các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các BV trên toàn quốc. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc cũng đang thực hiện theo nguyên tắc này. Điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được Quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng.
 
Hiện nay, tỉnh ta vẫn còn hơn 26% dân số chưa tham gia BHYT. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng gánh nặng về chi phí KCB đã trở thành khó khăn trong quá trình điều trị bệnh do không tham gia BHYT. Thông tư 02 có hiệu lực sẽ tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau khi cung cấp cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Việc tăng giá viện phí chắc chắn có tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của BHYT./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com