Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, đặc biệt là giảm nghèo theo hướng bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân.
|
Lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nữ, lao động thuộc hộ nghèo của Thành phố Nam Định. |
Theo số liệu khảo sát cuối năm 2015, toàn tỉnh có 33.864 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%; đến cuối năm 2016, giảm xuống còn 23.477 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,91%. Để đạt được kết quả đó, cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 1,5%, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn BCĐ giảm nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo; đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, trong năm 2016, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cho 4.194 cán bộ làm công tác giảm nghèo của các huyện, thành phố, lãnh đạo cấp xã phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã và các trưởng thôn, xóm, tổ dân phố. Qua công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, các địa phương phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng; trên cơ sở đó xây dựng triển khai thực hiện chính sách và các giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Các hộ nghèo, cận nghèo luôn được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục. Những năm qua, 100% số người nghèo trong tỉnh được cấp thẻ BHYT theo quy định của Nhà nước. Năm 2016, toàn tỉnh có 81.018 người nghèo và 114.816 người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Ngay đầu năm 2017, toàn bộ 64.579 người nghèo và gần 127 nghìn người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Đối với chính sách hỗ trợ GD và ĐT, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 216 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 32,3 tỷ đồng, hàng nghìn học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên có nguy cơ nghỉ học được tiếp tục đến trường. Nhằm giải quyết khó khăn cơ bản của hộ nghèo là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập như: Cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa chương trình cho vay vốn … đồng thời gắn việc vay vốn, tín dụng với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 4.300 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 155 tỷ đồng; trên 5.000 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 184 tỷ đồng; 1.979 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 77 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua công tác kiểm tra, giám sát nên hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững là việc tổ chức thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2016, toàn tỉnh đã mở 138 lớp dạy nghề theo Đề án 1956 cho 4.582 người, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề) cho 31.318 người; giải quyết việc làm cho trên 36.820 lao động. Ngoài ra, các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ khó khăn đột xuất. Trong năm 2016, có 33.846 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, trong năm 2016, từ nguồn quỹ hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nguồn vốn khác, toàn tỉnh đã hỗ trợ 207 hộ xây mới nhà ở với tổng kinh phí 4,140 tỷ đồng. Có nhà ở vững chãi, các hộ nghèo đã yên tâm lao động, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh có 3.340 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ, tặng quà, giúp các gia đình đều có điều kiện đón tết, vui xuân. Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho hộ nghèo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần qua các năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,91%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,04%. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn. Tỷ lệ tái nghèo và cận nghèo còn cao; một số hộ nghèo còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, bảo trợ xã hội của Nhà nước; nguồn huy động giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng chưa thực sự được phát huy; nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất ưu đãi còn hạn chế.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, đồng thời tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm và có thu nhập ổn định. Tranh thủ mọi nguồn vốn của Nhà nước và xã hội để đầu tư cho các dự án, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
Bài và ảnh:
Minh Tân