Cải cách bộ máy hành chính Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng quyết định hiệu quả của tiến trình cải cách hành chính ở mỗi địa phương, đơn vị. Thời gian qua, Thành phố Nam Định đã làm tốt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch công tác, hạn chế tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ xã Nam Vân giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. |
UBND Thành phố Nam Định đã ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đúng thẩm quyền. Triển khai rà soát và điều chỉnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo đúng quy định của Chính phủ. Qua đó đã điều chỉnh kịp thời, khắc phục và hạn chế được tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót về chức năng nhiệm vụ giữa các phòng chuyên môn. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp tổ chức xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị theo đúng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính của UBND thành phố và UBND các phường, xã được điều chỉnh theo hướng tinh giản song vẫn đảm bảo bộ máy hành chính từ thành phố tới cơ sở vận hành, phát huy hiệu quả. Hiện tại, bộ máy hành chính thành phố được tổ chức thành 12 phòng chuyên môn và 10 đơn vị sự nghiệp; 20 phường và 5 xã với tổng số công chức quản lý Nhà nước hiện có là 107/133 biên chế được giao, các đơn vị sự nghiệp giáo dục có 1.805/1.886 công chức, viên chức được giao. Song song với quá trình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng biên chế. Trong đó, biên chế được giao bảo đảm đúng nguyên tắc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế bảo đảm đúng quy định, theo hướng vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời làm tốt việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã tinh giản 20 cán bộ, công chức, viên chức. Cách làm này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành bộ máy quản lý Nhà nước mà còn có tác dụng đặc biệt trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Việc thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành như ban chỉ đạo, ban điều hành khi thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã giảm đáng kể do các phòng chức năng đã đảm nhiệm đầy đủ thành phần, chức năng. Cùng với công tác rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn từ thành phố đến các phường, xã, Thành phố Nam Định cũng tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo. UBND thành phố đã ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức. Với việc thực hiện đồng bộ, đầy đủ các khâu trong quá trình bổ nhiệm, đội ngũ cán bộ của thành phố đã và đang từng bước được chuẩn hóa, trẻ hóa, phát huy được phẩm chất, năng lực, tham mưu kịp thời, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: tạo điều kiện về thời gian, trợ cấp kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học và hỗ trợ một lần cho người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II về công tác tại địa phương. Những chính sách trên đã tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao cả về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, đồng thời thu hút được nhiều người có trình độ thạc sĩ, tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi về công tác tại thành phố. Ngoài ra thành phố cũng thực hiện việc đánh giá và phân loại công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định mới kể từ năm 2015. Tổ chức thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nơi công sở và Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc “Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh Nam Định”, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn. Nhờ đó, cán bộ, công chức các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND thành phố đã dần đổi mới lề lối và phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, việc đổi mới phương thức làm việc và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông cũng được UBND thành phố và UBND các phường, xã quan tâm thực hiện. Đến nay 100% cơ quan chuyên môn của thành phố, đơn vị hành chính cấp xã đã triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông; mọi thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc được công khai hoá. Đối với các dự án lớn, liên quan, tác động đến cộng đồng dân cư, trong quá trình thực hiện, thành phố đã đưa khâu tham vấn cộng đồng là quy trình bắt buộc, nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện như gần đây là việc phân định địa giới tạm thời giữa phường Thống Nhất và phường Lộc Hạ; giữa xã Lộc An và phường Văn Miếu được tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện điều chỉnh.
Những giải pháp đồng bộ trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy hành chính năng động, hoạt động hiệu quả, vì mục đích phục vụ nhân dân và tạo động lực cho kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố phát triển. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong những năm tiếp theo, Thành phố Nam Định kiến nghị với các cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn về mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp. Hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với trách nhiệm và có chế tài nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý./.
Bài và ảnh: Văn Trọng