Xác định công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, những năm qua Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động.
Hằng năm, công tác tuyên truyền được tập trung cao vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt lồng ghép trong các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đẩy mạnh việc học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2015-2020. Công tác tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đảm bảo trật tự ATGT… cũng luôn được LĐLĐ tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn, hội nghị tuyên truyền tại các công đoàn cơ sở... Bên cạnh đó, các cấp công đoàn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đoàn viên công đoàn, kịp thời uốn nắn, động viên, giáo dục ý thức giai cấp trong CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn. Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách mới về tiền lương cơ bản, BHXH... và các chế độ khác, LĐLĐ tỉnh đều tổ chức tập huấn triển khai và tuyên truyền kịp thời đến các cấp công đoàn trong tỉnh, chỉ đạo các cấp công đoàn có trách nhiệm phối hợp với chủ sử dụng lao động triển khai thực hiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động. Do đặc thù thời gian làm việc nên công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật tại các doanh nghiệp cũng rất linh hoạt. Ngoài hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động. Năm 2016, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho 1.950 công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp FDI. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động. Qua đó, CNVCLĐ luôn tin tưởng và yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
CNLĐ làm việc tại Cty TNHH Longyu, xã Tân Thịnh (Nam Trực). |
Năm 2017, với chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn”, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động. LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ theo kế hoạch của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tích cực tuyên truyền nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT”. Nhờ đó, những tháng đầu năm, tình hình đời sống, việc làm của CNVCLĐ trong tỉnh cơ bản ổn định. Sau Tết, tình trạng thiếu lao động, bỏ việc, nhảy việc có diễn ra nhưng không phổ biến. Tư tưởng CNVCLĐ trước, trong và sau Tết nhìn chung phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tập thể lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, quý I, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể của trên 9.000 công nhân lao động tại các doanh nghiệp thuộc Công đoàn các KCN, LĐLĐ huyện Trực Ninh và Nghĩa Hưng do mâu thuẫn phát sinh về tiền phép, tiền thưởng Tết và một số nội dung khác có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Ngay khi vụ việc xảy ra, LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên cơ sở đã kịp thời vào cuộc, hỗ trợ công đoàn cơ sở tham gia với doanh nghiệp giải quyết mâu thuẫn, tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành các quy định của pháp luật cũng như nội quy doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định tình hình và động viên CNLĐ tiếp tục yên tâm lao động sản xuất.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục kiện toàn hệ thống tư vấn pháp luật; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tư vấn lưu động tại các doanh nghiệp có nhiều công nhân lao động. Chủ động nắm tình hình việc thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc trong CNVCLĐ để tổ chức tư vấn kịp thời. Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Kiến nghị với công đoàn cùng cấp đề nghị người sử dụng lao động thực hiện chế độ chính sách cho người lao động đúng theo quy định pháp luật. Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành, khai thác thông tin trên nhiều kênh, tư vấn đảm bảo chính xác và đúng quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng