Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được chăm lo cải thiện cuộc sống, được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn diễn biến phức tạp. Vào dịp nghỉ hè, số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích gia tăng qua các năm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
|
Các cháu Trường Mầm non phường Lộc Vượng (TP Nam Định) trong giờ học vẽ. |
Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, năm 2016, toàn tỉnh có 199 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích với 43 trẻ bị tử vong. Các trường hợp tai nạn thương tích thường gặp như: bỏng nước, đuối nước, ngã xe, ngộ độc thực phẩm, bị ném đá vào đầu, bị vật nặng rơi vào… Thực tế tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em diễn ra khá phổ biến vì lý do trẻ vốn hiếu động, thích khám phá, leo trèo, nghịch ngợm, tắm ở sông, ao hồ, không nhận thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho các em; thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ chặt chẽ; môi trường sống của trẻ em ở một số nơi chưa thật sự an toàn nên nhiều tình trạng tai nạn thương tích hết sức thương tâm. Trẻ vùng nông thôn thường gặp tai nạn thương tích như: đuối nước, ngã từ trên cây, bị súc vật cắn… Trẻ khu vực thành thị gặp tai nạn thương tích như: bị vật nặng rơi vào, bị bỏng nước sôi, bị ngã khi đang chơi, bị tai nạn giao thông khi mải đá bóng, chạy nhảy ngay ven đường… Gánh nặng về thương tích của trẻ em gây hậu quả lớn đối với gia đình và xã hội, gây đau đớn cho trẻ và là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này. Đặc biệt, nhiều trường hợp tai nạn thương tích dễ dẫn đến tử vong, nhất là đuối nước. Tuy nhiên, theo thống kê, trong tổng số 70% ca chấn thương, thương tích và đuối nước ở trẻ em đều có thể phòng, tránh được nếu các em nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình, nhà trường và cộng đồng... Nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa tai nạn thương tích và các kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; xây dựng “Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em”; “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh bổ ích và an toàn cho trẻ…; đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích tại các vùng trọng điểm. Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, CTV, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khoá của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong trường học và tại cộng đồng trong dịp hè; hướng dẫn trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước; xây dựng hệ thống thu thập thông tin, giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường năng lực cấp cứu, điều trị trẻ em bị tai nạn, thương tích; kiểm tra việc thực hiện VSATTP trong các trường học, các cơ sở dịch vụ kinh doanh gần trường học. Sở GD và ĐT đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học “xanh - sạch - đẹp - an toàn” trong các trường tiểu học, THCS; phối hợp với các ngành thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, PCCN, VSATTP tại các trường học. Công an tỉnh phối hợp với Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATGT, nhất là các bến đò ngang dân sinh có trẻ em tham gia đi lại. Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phối hợp với các ngành liên quan huy động nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tỉnh Đoàn phối hợp với ngành GD và ĐT, các địa phương chỉ đạo việc quản lý học sinh trong dịp hè, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em; hướng dẫn cách phòng, chống tai nạn, thương tích gắn với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em… Không chỉ dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, về sơ cấp cứu một số trường hợp đơn giản như: bỏng, thương tích gây chảy máu… để khi con em gặp trường hợp bị thương tích, gia đình có thể triển khai đúng cách việc sơ cứu trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị. Đặc biệt, mùa hè sắp đến, là khoảng thời gian trẻ em trong nhiều gia đình được vui chơi thỏa thích sau một năm học nhưng cũng là thời gian nhiều gia đình hết sức lo lắng vì việc quản lý, chăm sóc con cái gặp khó khăn. Để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp hè, các tổ chức đoàn thể, nhà trường và gia đình nên tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trong môi trường lành mạnh, an toàn; đồng thời trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, hạn chế thấp nhất những điều đáng tiếc xảy ra./.
Bài và ảnh:
Minh Tân