Mặc dù bị liệt 2 chân từ nhỏ song anh Vũ Đình Phong, sinh năm 1985, ở xóm Mỹ Tiến 2, xã Nam Phong (TP Nam Định) đã cố gắng vượt qua những thiệt thòi của bản thân, tham gia phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương cho nhiều người khuyết tật noi theo.
|
Anh Vũ Đình Phong xóm Mỹ Tiến 2, xã Nam Phong (TP Nam Định) bên vườn hoa cúc sắp thu hoạch của gia đình. |
Sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng anh Phong được phát hiện bị liệt hai chân khi mới được 7-8 tháng tuổi, gia đình cũng đã đưa anh đi chữa trị khắp nơi nhưng không có biến chuyển nên đành đưa con về. Mặc dù rất buồn song anh đành chấp nhận số phận không may mắn của mình. Nhận thấy bằng tuổi mình, nhiều thanh niên trong làng đã có cơ ngơi ổn định, thấy mẹ tuổi ngày càng cao mà bản thân chưa đỡ đần mẹ được nhiều, nên anh đã trăn trở suy nghĩ phải làm gì để giúp đỡ mẹ trong công việc gia đình. Dù việc đi lại khó khăn nhưng với bản lĩnh và nỗ lực không ngừng, anh đã cố gắng tìm cho mình những công việc phù hợp với bản thân. Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, với kinh nghiệm của gia đình gần 30 năm trồng hoa, bản thân anh lại chịu khó tìm tòi, học hỏi những người có kinh nghiệm trong thôn. Đặc biệt là sau cuộc hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa và nuôi vịt” do Hội Người khuyết tật tỉnh tổ chức năm 2011, anh càng củng cố quyết tâm trong việc phát triển kinh tế gia đình từ việc phát huy những lợi thế của đồng đất quê hương. Được sự động viên của mẹ và người thân trong gia đình, với diện tích 2 sào vườn, anh đã trồng các loại hoa cúc. Với mỗi vụ trồng hoa, sau 3 tháng cho thu nhập hàng triệu đồng gia đình anh trồng hàng nghìn cây cúc, vào thời điểm đắt, hoa cúc cho thu hoạch từ 1.200-1.500 đồng/cành. Chịu khó, cần cù tích góp anh cũng có được chút vốn để tiếp tục đầu tư thâm canh tăng vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, giúp gia đình anh có điều kiện trang trải cuộc sống. Chia sẻ về công việc trồng cúc của gia đình, anh Phong cũng có nhiều thuận lợi. Do vị trí của các hộ gia đình nằm sát ven đê sông Đào nên đất đai màu mỡ cộng với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của các hộ gia đình trong xã thì việc trồng hoa cúc trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh những thành công mà anh Phong đạt được, anh cũng phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, bản thân anh là người khuyết tật, việc chăm sóc hoa cũng rất vất vả, nhất là khi thời tiết không thuận lợi. Anh Phong tâm sự: Bản thân tôi vốn đi lại đã không được nhanh nhẹn, khi gặp trời mưa to phải che chắn cho hoa là điều khó khăn đối với tôi nên tôi thường phải nhờ người trợ giúp mới hoàn thành được. Bên cạnh đó, hoa cúc thường có nhiều bệnh tật như: bệnh nấm, thối thân nên phải mất nhiều thời gian chăm sóc. Vào mùa đông bệnh nấm thường hoành hành, còn mùa hè thường xảy ra bệnh vẽ bùa, nhện đỏ, thối thân…, tùy từng loại bệnh mà anh có hướng sử dụng thuốc trừ sâu để phòng trừ. Ngoài những bệnh kể trên khi trồng hoa, gia đình anh phải sử dụng thuốc trừ sâu khá nhiều để phòng trừ sâu bệnh.
Với 2 sào hoa của gia đình, 2 ngày phải phun thuốc trừ sâu một lần, với mỗi lần phun 10 bình, mỗi bình 1,6 lít nên tiền thuê nhân công cũng tăng theo. Thêm nữa người trồng hoa còn phụ thuộc vào giá cả thị trường lúc đắt, lúc rẻ nên nhiều khi việc trồng hoa của gia đình anh cũng gặp khó khăn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về sức khỏe và những thiệt thòi khi bản thân không lành lặn, nhưng không vì thế mà anh Vũ Đình Phong và những người khuyết tật khác lung lay ý chí làm giàu, họ vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình là những người có ích cho xã hội./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh