Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

08:05, 29/05/2017
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, ngành học giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển tích cực. Các cơ sở đào tạo tích cực đổi mới phương thức đào tạo, gắn học với hành nên đã nâng dần tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định và được đơn vị sử dụng tin tưởng, đánh giá cao. 
Học sinh Trường Trung cấp Y Nam Định trong một giờ thực hành bào chế thuốc.
Học sinh Trường Trung cấp Y Nam Định trong một giờ thực hành bào chế thuốc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 9 trường TCCN và 38 cơ sở dạy nghề. Hầu hết các trường đã củng cố và phát triển vững chắc hệ thống đào tạo, đa dạng hóa hình thức, ngành nghề đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập nhằm thu hút học sinh vào học. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, các trường đã liên tục rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ… Nhiều ngành nghề mới được bổ sung vào chương trình đào tạo. Trong đó đào tạo trình độ đại học có gần 40 ngành nghề thuộc 4 trường đại học, hơn 80 ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 38 ngành nghề đào tạo trình độ TCCN. Hiện tại các nghề do các cơ sở đào tạo cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng một số nghề như sửa chữa, lắp ráp ô tô, công nghệ ô tô, nghề tiện, nguội, lắp ráp máy tính các trường đào tạo, người lao động làm việc chủ yếu ở tỉnh ngoài. Ở trình độ sơ cấp đào tạo có 24 nghề gồm: cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; điện nước dân dụng; kỹ thuật điêu khắc gỗ; may, mây tre đan, lái xe ô tô, thêu ren, sửa chữa thiết bị may, trồng nấm, nuôi trồng thuỷ sản, sửa chữa động cơ, dệt khăn, thú y..., tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp cao. Hằng năm có khoảng 15 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đi làm việc ở khắp mọi miền đất nước. Ở các nhà trường, cơ sở dạy nghề, các chương trình đào tạo được bổ sung, xây dựng mới theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, hàng trăm giáo trình được biên soạn sử dụng nội bộ trong trường và hàng nghìn đầu sách được các nhà trường đầu tư mua sắm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh được duy trì thường xuyên đã giúp giáo viên các trường cập nhật, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời giúp cho công tác quản lý điều chỉnh kịp thời, sát thực tế chương trình nhiệm vụ công tác. Để học sinh khi tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của học sinh. Thời gian học thực hành, thực tập được điều chỉnh từ 30 đến 50%, thậm chí có trường có tới 65% thời gian dành cho học sinh thực hành, thực tập, tùy từng môn học; giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc cũng như được rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết khi ra thực tế sản xuất. Với định hướng ấy, nhiều trường đã bố trí thời gian thực hành xen kẽ trong chương trình học, ở mỗi bài học với các yêu cầu, thao thác thực hành cụ thể. Điều này đã giúp học sinh trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tiếp cận thực tế. Trường Cao đẳng Nghề Nam Định những năm qua đã tổ chức đào tạo cả 3 bậc: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề với 12 ngành nghề: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, hàn, cắt gọt kim loại, kế toán doanh nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi, xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi, vận hành và sửa chữa trạm bơm điện, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính… Hằng năm, nhà trường luôn duy trì quy mô đào tạo 1.000-1.500 học sinh, sinh viên, thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người lao động và tham gia chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thông qua hợp tác, liên kết đào tạo, nhà trường đã sử dụng hiệu quả lao động kỹ thuật, trang thiết bị của các doanh nghiệp, tạo địa bàn và cơ sở cho học sinh đi thực tập và tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.  Với việc “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo chính quy tập trung, đào tạo ngắn hạn tại trường hoặc tại doanh nghiệp; đào tạo theo địa chỉ; liên kết với các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài tỉnh phối hợp đào tạo; đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp để giúp các em có điều kiện thực hành, rèn luyện tay nghề. Nhà trường là một trong 15 trường của toàn quốc được đầu tư dự án ODA “Nâng cao kỹ năng nghề” ở hai nghề: Hàn và điện công nghiệp và được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo 5 nghề trọng điểm, gồm: nghề hàn cấp độ quốc tế; nghề điện công nghiệp và nghề cắt gọt kim loại cấp độ khu vực ASEAN; nghề xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi và nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp độ quốc gia. Được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất với đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, nhiệt huyết với nghề, hằng năm nhà trường đào tạo, cung ứng cho thị trường trên 1.000 lao động có tay nghề, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định chiếm 70%. Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, trên cơ sở duy trì mở rộng các ngành nghề truyền thống, đã tích cực đầu tư vào nhiều ngành nghề được ưa chuộng như: Công nghệ thông tin, công nghệ may và thiết kế thời trang, tự động hóa, sửa chữa động lực và công nghệ đóng tàu… Thông qua hợp tác, liên kết đào tạo, trường đã sử dụng có hiệu quả lao động kỹ thuật, thiết bị của các doanh nghiệp, tạo địa bàn và cơ sở cho học sinh đi thực tập và tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, những năm qua, học sinh của nhà trường tốt nghiệp ra trường đã có trên 80% được các cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định. Trường Trung cấp Y tế Nam Định hằng năm có số lượng tuyển sinh 500-800 học sinh. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã liên hệ và đăng ký địa điểm thực tập cho học sinh tại 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 trung tâm chuyên khoa, y tế dự phòng tỉnh, 10 bệnh viện tuyến huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn trong tỉnh với trên 3.000 giường bệnh và tại 5 Cty dược trên địa bàn tỉnh. Học sinh thực tập tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế với thời gian từ 60-75% chương trình học. Nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, Cty, mời bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia giảng dạy, bố trí phòng học, giao ban cho giáo viên, học sinh ngay tại bệnh viện. Nhà trường còn phối hợp tổ chức hội nghị viện - trường, hoặc liên hệ trực tiếp, thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các phương thức điều trị mới, cải tiến phương pháp quản lý, giảng dạy, học tập. Học sinh sau khi ra trường đều đạt yêu cầu tay nghề của cơ sở sử dụng lao động và hầu hết đều có việc làm tại các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, doanh nghiệp dược trong cả nước. 
 
Tuy nhiên, khó khăn trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở tỉnh ta hiện nay là chưa thu hút được đông người học. Một số trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề tỷ lệ học sinh đăng ký học ngày càng giảm. Nguyên nhân do các trường, các cơ sở dạy nghề còn thiếu thông tin dự báo về nhu cầu phục vụ phát triển đào tạo nhân lực, về thị trường lao động. Nội dung đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thực tiễn công việc còn có khoảng cách. Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, học viên và doanh nghiệp. Để việc đào tạo của các trường thực sự sát với nhu cầu thực tế, rất cần sự tham gia hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc “đặt hàng”, liên kết đào tạo. Khi biết nhu cầu của phía sử dụng lao động các nhà trường sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp… Có như vậy mới tạo nên sức hút học sinh tới các trường chuyên nghiệp, dạy nghề./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com