Khai thác, phát huy hiệu quả thư viện trường học

08:05, 24/05/2017
Thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu trong việc giáo dục văn hóa, tri thức, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, nhiều thư viện trường học trong tỉnh vẫn trong tình cảnh đìu hiu do chưa thu hút được học sinh và giáo viên.
 
Toàn tỉnh hiện có hàng trăm thư viện trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó riêng ở bậc tiểu học đã có khoảng 300 thư viện đạt chuẩn. Hằng năm, cùng với việc cung ứng các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại tạp chí… của Sở GD và ĐT cho các thư viện nhà trường, các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành, tranh, truyện… đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh. Một số trường đã chủ động nghiên cứu, tìm mô hình hoạt động vừa bảo đảm tính chuẩn, vừa phù hợp với điều kiện của trường. Nhiều trường còn huy động nguồn kinh phí từ địa phương và xã hội xây dựng được thư viện khang trang với hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, có giá trị thiết thực cho giáo viên và học sinh trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Một số trường còn có thư viện điện tử nối mạng giữa các tổ, phòng chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, trở thành địa chỉ cần thiết, thân thuộc của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, với việc xây dựng tủ sách dùng chung, nhiều trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh con gia đình chính sách, con gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để bất cứ học sinh nào đến trường thiếu sách học. Để định hướng văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em có niềm say mê với việc đọc sách, một số trường tiểu học trong tỉnh đã triển khai mô hình thư viện vườn trường, thư viện “di động”. Với ý tưởng tạo cho các em một môi trường đọc thân thiện, những thư viện này thường được đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học nhằm tạo cho các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong mọi thời gian rảnh rỗi. Hơn nữa, trong những năm gần đây, nhờ khởi động lại phong trào đọc sách, nhiều trường học trong tỉnh đã năng động, sáng tạo tổ chức thêm nhiều hoạt động để cổ vũ cho việc đọc sách của các em. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, nhiều trường đã tổ chức cuộc thi kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, tặng sách cho học sinh giỏi… và có những hình thức huy động sách như kêu gọi các phụ huynh hoặc các tổ chức cá nhân tài trợ sách, xây dựng phong trào kế hoạch nhỏ lấy tiền bán giấy vụn để mua sách hay vận động học sinh, phụ huynh ủng hộ những cuốn sách cũ… Để những cuốn sách đến gần với các em hơn, trong năm học 2015-2016, tỉnh đã huy động được các Cty, các doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ xây dựng 12.662 tủ sách lớp học cho các cấp học trị giá khoảng 26 tỷ đồng. Các nhà trường cũng linh hoạt trong việc xây dựng tủ sách lớp học khi chuyển một số đầu sách, báo, truyện từ thư viện trường xuống các tủ sách ở lớp học…, giúp các em có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với sách, tạo niềm say mê hứng thú với phong trào đọc sách. 
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Bắc (Xuân Trường) đọc sách trong thư viện đạt chuẩn của nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Bắc (Xuân Trường) đọc sách trong thư viện đạt chuẩn của nhà trường.
Tuy nhiên thực trạng hiện nay là cho dù mỗi nhà trường đều có thư viện, đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn, có các tủ sách lớp học cũng đều chung một tình trạng là chưa thu hút được học sinh. Ở hầu hết các thư viện, số lượng học sinh đến mượn sách hoặc đọc sách không nhiều. Ngoài thời gian học trên lớp, các em thường ôn bài ở các lớp học thêm do các thầy, cô tổ chức hoặc học ở nhà chứ ít ai lên thư viện trường để ôn bài. Số ít các em học sinh tiểu học dành thời gian cho việc vào thư viện đọc sách, truyện chủ yếu là giờ ra chơi, các giờ ngoại khóa và không phải lúc nào thư viện cũng mở cửa. Sách ở tủ sách lớp học không được bổ sung thường xuyên nên chưa hấp dẫn các em. Nguyên nhân khiến học sinh không mặn mà với thư viện trường học trước hết là hiện nay các em có nhiều kênh thông tin, nhiều phương tiện giải trí như: truyền hình, mạng internet… rất có sự cuốn hút trong khi văn hóa đọc cũng như nhu cầu đọc của học sinh còn rất hạn chế. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Sở dĩ có sự thờ ơ với việc đọc sách là do nhà trường và các thầy, cô chưa định hướng, chưa hướng cho các em đến những cuốn sách hay và có nhiều hoạt động để các em trải nghiệm và yêu thích việc đọc sách. Trong khi đó vốn tài liệu trong thư viện còn sơ sài, hình thức, tài liệu còn chưa đa dạng phong phú. Hơn nữa việc thờ ơ với thư viện còn là do cán bộ thư viện chưa sâu về nghiệp vụ, chưa thực sự trở thành cầu nối giữa bạn đọc với sách. Nhiều trường cán bộ thư viện làm kiêm nhiệm nên không có nghiệp vụ, không có kỹ năng phục vụ. Vì thế, học sinh cảm thấy cán bộ thư viện là người khó tính, khó gần, nên có tâm lý ngại hỏi, ngại lên thư viện. Thêm vào đó hoạt động thư viện chưa thực sự được nhà trường quan tâm, đầu tư kinh phí thì ít ỏi khiến cơ sở vật chất còn lạc hậu, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục... Với việc học 2 buổi/ngày, mỗi trường giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học là 5 phút cũng không đủ thời gian để các em lên thư viện. Trong các tiết học ngoại khóa, các nhà trường cũng có nhiều chương trình phải thực hiện, lại ít có sự phá cách, chưa có nhiều cách làm khoa học, sáng tạo nên việc hướng các em đến việc đọc sách còn nhiều khó khăn. Ở một số trường tiểu học, dù nhiều trường đã dành 1-2 tiết học/tuần để các em luân phiên nhau đến thư viện hoặc có các hoạt động giới thiệu sách nhưng cũng chưa thường xuyên, hiệu quả.
 
Đọc sách không chỉ trau dồi kiến thức cho học sinh mà còn rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ - một kỹ năng thiết yếu. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, các nhà trường cần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Khi học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện, chứ không phải đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng thư viện đạt chuẩn chỉ nhằm đủ tiêu chí để công nhận trường đạt danh hiệu này, danh hiệu nọ. Thêm vào đó, thư viện cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các dịch vụ thư viện như tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc. Hoặc trong những giờ sinh hoạt đầu tuần, tổ chức những cuộc thi về giới thiệu sách hay vẽ tranh theo chủ đề, tổ chức các chuyên đề nói chuyện sách gắn với những sự kiện chính trị lớn... để thu hút sự chú ý của các em. Đây là một hoạt động thiết thực bởi nó khơi gợi cho các em sở thích đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong nhà trường, dần xây dựng văn hóa đọc cho các em. Chỉ đến khi các em say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện trường học./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com