Giao Thủy đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

06:05, 11/05/2017
Huyện Giao Thủy có trên 19 vạn dân, trong đó 60% dân số trong độ tuổi lao động. Để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Cơ sở may Cường Thịnh, ở xã Giao Hương tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động.
Cơ sở may Cường Thịnh, ở xã Giao Hương tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Giao Thủy đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa tiêu chí đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Quyết định 1956, huyện đã mở 37 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 1.300 lao động nông thôn với các ngành nghề: may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Mặc dù việc đào tạo nghề đã được quan tâm song hiện nay, học viên thuộc nhóm nghề nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, giá cả, dịch bệnh… ảnh hưởng đến sản xuất. Phòng LĐ-TB và XH huyện liên kết với các Trung tâm dạy nghề khuyến nông - khuyến ngư, Trung tâm dạy nghề Hội Phụ nữ tỉnh, Trung tâm dạy nghề Hội Nông tỉnh tổ chức các lớp nuôi cá nước ngọt, tôm, cua, ngao vạng và chăn nuôi gà vịt, lợn thịt, lợn sinh sản. Những năm qua cùng với chú trọng nâng cao năng suất cây trồng, các xã, thị trấn trong huyện cũng ban hành cơ chế khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Là địa phương thuần nông, thời gian qua, xã Giao Thịnh đã phối kết hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề may công nghiệp, đan móc sợi, chăn nuôi lợn, thủy hải sản, hàn điện... cho khoảng 260 lao động trong xã. Chị Nguyễn Thị Thúy ở xóm 2, xã Giao Thịnh cho biết: “Với kiến thức đã được học ở lớp đào tạo dạy chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 250m 2, mỗi lứa nuôi từ 40-50 con, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa với tổng sản lượng từ 10-12 tấn lợn thịt và cung ứng từ 100-200 con lợn giống ra thị trường; bình quân một năm cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng”. Đối với nghề phi nông nghiệp, xuất phát từ nhu cầu của người lao động cũng như các doanh nghiệp, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã liên kết với đơn vị dạy nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề ngay tại các doanh nghiệp. Tại Cty May Ngọc Hồng Minh ở xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong, năm 2016, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã liên kết dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đào tạo nghề, đơn vị tiếp nhận học viên làm việc. Hiện nay, huyện Giao Thủy có trên 110 nghìn người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế. Để người lao động có việc làm ổn định, huyện tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, dịch vụ du lịch, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khuyến khích hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện ưu tiên, khuyến khích phát triển nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm ngành khác nhau như sản xuất hàng may mặc, vật liệu xây dựng, cơ khí, thủ công mĩ nghệ, đóng tàu thuyền...; qua đó đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và có thu nhập ổn định. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. 
 
Tiếp tục thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020, toàn huyện sẽ đào tạo nghề cho trên 5.300 lao động và sẽ có khoảng 85% trở lên số lao động có việc làm ổn định sau khi được đào tạo nghề. Để thực hiện mục tiêu đề ra thời gian tới, huyện Giao Thủy đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các địa phương, các ngành, đoàn thể và các cơ sở dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề trồng cây lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp, hàn điện, móc sợi, dịch vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng... Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM./. 
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com