Triển khai đại trà dạy và học môn mỹ thuật theo phương pháp mới

08:04, 04/04/2017
Thực hiện đổi mới giáo dục, được sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT từ năm học 2011-2012 Sở GD và ĐT đã triển khai thí điểm mô hình dạy học mỹ thuật trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học (SAEPS)” do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ ở một số trường học trong tỉnh.
 
Với các quy trình: Vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện; vẽ biểu cảm; vẽ theo âm nhạc; phương pháp xây dựng cốt truyện; phương pháp tạo hình 3D - tiếp cận theo chủ đề (tạo hình từ vật tìm được); điêu khắc - nghệ thuật tạo hình không gian; tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn, việc dạy học mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch hoàn toàn khác so với môn mỹ thuật hiện hành. Được thí điểm dạy cho học sinh lớp 5 trong tỉnh, bước đầu các em tiếp cận với các quy trình học mới này như một món ăn tinh thần vừa hấp dẫn, vừa mới lạ. Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) là một trong những trường học được chọn dạy thí điểm chương trình này đối với học sinh khối lớp 5. Sau một thời gian triển khai, năm 2013, tại Trường Tiểu học Nam Mỹ, Sở GD và ĐT đã tổ chức hội thảo áp dụng việc đưa tiết học ra ngoài không gian lớp học thông qua các tiết dạy mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên mỹ thuật trong toàn tỉnh. Hoạt động dạy học mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch đã thực sự thuyết phục, hấp dẫn bởi tính tích hợp và sự linh hoạt khi triển khai ngoài không gian lớp học. Đến nay, 708 học sinh ở tất cả các khối lớp đã được học môn mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch. Thầy Vũ Trường Giang, giáo viên dạy môn mỹ thuật của trường cho biết: Điểm nổi bật của phương pháp học mới môn mỹ thuật là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy như: vẽ biểu cảm - vẽ cùng nhau - vẽ theo nhạc - xây dựng cốt truyện - tạo hình con rối và nghệ thuật trình diễn… So với phương pháp truyền thống, phương pháp mới phát huy tính sáng tạo cao của học sinh, tiết học thoải mái, sinh động hơn. Từ môn học này tạo cơ hội cho học sinh thực hành, ứng dụng trong học tập và cuộc sống. Phương pháp học mới học sinh vừa học, vừa chơi, vừa sáng tạo nên các em đều mong đến tiết học mỹ thuật. Ưu điểm của phương pháp này là học sinh được tự do sáng tạo trong mỗi tiết học, khám phá ra những điều mới mẻ, phát huy khả năng giao tiếp, kỹ năng trình bày sản phẩm của mình trước đông người. 
Thầy và trò Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong một tiết học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Thầy và trò Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong một tiết học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch. 
Năm học 2014-2015, Sở GD và ĐT triển khai mô hình học mới ở các nhà trường đối với học sinh khối lớp 4 và 5 với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Từ đó, các em hình thành và phát triển 3 năng lực cốt lõi là: Sáng tạo mỹ thuật và qua đó biểu đạt bản thân và giao tiếp, trao đổi, tiếp nhận ý tưởng, ý nghĩa thông qua sản phẩm/tác phẩm mỹ thuật. Cùng lúc phát triển những năng lực nói trên, học sinh có thể phát triển các giác quan, kỹ năng sống, kinh nghiệm và khả năng giải quyết vấn đề, các năng lực hợp tác, tự học, tự đánh giá. Tiết học trở nên sinh động, kích thích các giác quan của học sinh. Các em được hoạt động nhóm, thuyết trình, phản biện, kể chuyện từ những bức tranh do mình trình bày, chủ động trong bài học, tiếp thu nhanh. Năm học 2015-2016, Sở GD và ĐT tiếp tục triển khai đại trà dạy học theo phương pháp mới của Đan Mạch đối với tất cả các khối lớp. Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, qua một năm triển khai đại trà, đội ngũ giáo viên mỹ thuật đã hình thành được năng lực tổ chức và đánh giá nhằm phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng sống cho học sinh. Năng lực dạy tích hợp, dạy học mở của giáo viên dần được hoàn thiện. Thông qua hệ thống bài tập và sản phẩm ứng dụng mà phương pháp dạy học mỹ thuật của Đan Mạch đem lại, giáo viên đã có cơ hội chia sẻ, đồng thời giúp cán bộ quản lý các cấp, cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội nhận thấy hiệu quả của hoạt động giáo dục mỹ thuật trong nhà trường. Bên cạnh đó, hoạt động mỹ thuật này còn là sự tích hợp của nhiều môn: âm nhạc, tự nhiên xã hội, tiếng Việt, thể dục. Phương pháp dạy học tăng cường sự tương tác 2 chiều giữa thầy và trò nhằm truyền cảm hứng, khuyến khích học sinh phát triển khả năng sáng tạo và hình thành năng lực thẩm mỹ. 
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới, một số cán bộ quản lý chưa thực sự quan tâm và nhận thức đúng vai trò của giáo dục thẩm mỹ nói chung và dạy học mỹ thuật nói riêng trong nhà trường. Bên cạnh đó, một số giáo viên còn ngại thay đổi, chưa thực sự tích cực trong việc triển khai dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới. Đội ngũ giáo viên mỹ thuật trong tỉnh còn chưa đủ về số lượng và không đồng đều về chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh còn 35% số trường vẫn sử dụng phòng nghệ thuật (tích hợp mỹ thuật và âm nhạc) nên khi triển khai đại trà dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới gặp nhiều khó khăn… Thời gian tới, Sở GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện dạy học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch, động viên đội ngũ giáo viên nâng cao hiệu quả phương pháp dạy học mới để mỗi học sinh có được những tiết học mỹ thuật lý thú./.
 
Bài và ảnh:  Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com