Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để khuyến khích phát triển thị trường XKLĐ, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho công dân có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đầu tư mở rộng thị trường XKLĐ mới, có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều lao động; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; có chính sách ưu đãi tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XKLĐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp đẩy mạnh XKLĐ. Sở LĐ-TB và XH đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông tin về công tác XKLĐ tới nhân dân. Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở LĐ-TB và XH đã biên soạn, phát hành tờ gấp tuyên truyền về công tác XKLĐ; thông tin kịp thời nhu cầu tuyển lao động xuất khẩu, các tiêu chí, thủ tục trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp XKLĐ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác việc làm, XKLĐ và dạy nghề cho cán bộ LĐ-TB và XH cấp huyện, xã. Phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động XKLĐ thông qua công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển chọn lao động tại địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Lớp dạy tiếng Hàn Quốc cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Đẩy mạnh việc hướng dẫn thực hiện công tác tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý Nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; thống kê số lượng các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức và cá nhân trong hoạt động XKLĐ. Năm 2016, Sở LĐ-TB và XH đã thẩm định, giới thiệu 19 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB và XH cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về tuyển lao động của 10 huyện, thành phố đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các doanh nghiệp khi về tuyển lao động địa phương đi lao động tại Đài Loan, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út; thẩm định, cấp giấy xác nhận cho 4 hồ sơ cá nhân lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan và Xinh-ga-po. Trong năm 2016, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tiếp nhận 643 lao động đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn, có 72/643 lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và đang làm hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo. Tiếp nhận 10 lao động đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp; kết quả có 9/10 lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn, chuẩn bị tham gia kiểm tra tay nghề đánh giá năng lực. Tổ chức 3 đợt tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản; kết quả có 55 ứng viên trúng tuyển được tham gia chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, năm 2016 toàn tỉnh có 1.970 người tham gia XKLĐ đạt 197% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có 4 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; số còn lại người lao động đi theo bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan 734 người, chiếm tỷ lệ 37,41% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhật Bản 902 người, chiếm 45,79%; Ma-lai-xi-a 33 người, chiếm 1,68%; Hàn Quốc 256 người, chiếm 12,99%; các thị trường khác chiếm 2,13%. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác XKLĐ ở tỉnh ta còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế: Một số huyện, xã chưa quan tâm chỉ đạo công tác XKLĐ; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong tạo nguồn lao động. Một bộ phận người lao động tham gia XKLĐ, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật chưa cao, không thực hiện hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn bất hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật của nước sở tại về nước trước thời hạn ảnh hưởng đến công tác XKLĐ. Các giải pháp giảm tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc nhưng không về nước hiệu quả chưa cao. Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác XKLĐ. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ đến cấp xã. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, tiêu cực. Các doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu tuyển lao động xuất khẩu cần tập trung làm tốt công tác giáo dục, định hướng cho người lao động xuất khẩu, nhất là về ngoại ngữ, văn hóa, kỷ luật lao động, phong tục, tập quán, luật pháp nước sở tại mà người lao động sẽ đến làm việc và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động./.
Bài và ảnh: Minh Tân