Trong thời gian qua, với sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) đã giảm so với thời gian 2005-2010; đặc biệt, không có tử vong do NĐTP. Công tác giám sát mối nguy cảnh báo nguy cơ dự phòng NĐTP được chủ động thực hiện có hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP được tăng cường, đã huy động được toàn thể xã hội tham gia quản lý, thực hiện đảm bảo ATTP. Nhiều mô hình tiên tiến về ATTP được xây dựng và duy trì như: ATTP thức ăn đường phố, ATTP khu vực lễ hội, ATTP khu vực làng nghề, diễn tập xử lý vụ NĐTP tập thể đông người mắc…
Để tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành 88 văn bản chỉ đạo về công tác ATTP. Các sở, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, phạm vi quản lý đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, các đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP các tuyến đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 13.960 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; qua đó phát hiện 4.117 cơ sở vi phạm, trong đó, 1.181 cơ sở vi phạm bị xử lý, 481 cơ sở bị cảnh cáo, 598 cơ sở bị phạt với tổng số tiền phạt lên tới hơn 1 tỷ đồng, 21 cơ sở phải đóng cửa, 39 cơ sở bị buộc thu hồi tiêu hủy 59 loại sản phẩm hàng hóa có chất lượng không phù hợp đang lưu thông trên thị trường, 39 cơ sở phải khắc phục về nhãn. Điển hình như các vụ: Cty Hưng Thịnh sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi bị xử phạt với số tiền 140 triệu đồng và tiêu hủy 1.375kg cám tang vật; Chi cục Quản lý thị trường ra các quyết định xử phạt 40 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả và tịch thu 730kg mì chính giả; Phòng PC 49 Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Thị Thanh Bình có hành vi sang chiết, đóng gói mì chính giả nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto tại kho số 2 Cty TNHH Hoa Mai, đường Song Hào, đường Trần Quang Khải với tang vật thu giữ 280kg mì chính giả… Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP được đẩy mạnh. Từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 275 hội nghị tuyên truyền về ATTP với 5.435 người dự; tổ chức 641 buổi truyền thông trực tiếp thông qua nói chuyện chuyên đề ATTP với 23.070 người tham dự; tổ chức 15 cuộc hội thảo về ATTP với 1.380 người dự; hàng chục nghìn băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, áp phích, tờ rơi, băng đĩa tuyên truyền nội dung về ATTP được phát cho người dân ở cơ sở. Toàn tỉnh đã tổ chức được 395 lớp tập huấn về công tác ATTP cho 19.400 đối tượng là chủ cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Big C Nam Định. |
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra ATTP gần đây cho thấy vẫn còn khoảng 30% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, chất lượng sản phẩm thực phẩm. Số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt, số lượng bếp ăn tập thể năm 2016 tăng 1,4 lần so với năm 2010. Trong khi đó, tình hình NĐTP, đặc biệt là NĐTP bếp ăn tập thể diễn biến phức tạp, số người mắc thường lớn, nguyên nhân ngày càng khó xác định. Đơn cử, năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ NĐTP với 231 người mắc, 121 người nhập viện, không có tử vong, trong đó có 1 vụ không xác định được nguyên nhân. Công tác quản lý thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng vẫn còn bất cập. Vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà bỏ qua những quy định của pháp luật về ATTP, coi thường sức khỏe người dân. Mặt khác, một số lĩnh vực, cơ quan quản lý vẫn bỏ ngỏ như các cửa hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè, hàng rong, các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn… Việc quy hoạch các vùng trồng trọt, các trang trại chăn nuôi tập trung, khu giết mổ an toàn, chợ an toàn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được. Một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được việc sản xuất thực phẩm sạch nhưng chủ yếu để phục vụ xuất khẩu, còn phần lớn sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh là mô hình sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu là tự phát nên rất khó để quản lý chất lượng, không có khả năng cung ứng ổn định với số lượng lớn các sản phẩm đảm bảo ATTP ra thị trường. Đã có một số mô hình thực phẩm tiên tiến hình thành, tuy nhiên, phần lớn quy mô các mô hình này còn nhỏ nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư các mô hình sản xuất sạch làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế, mặt bằng, chi phí và thu nhập của người dân, trong khi phần lớn người dân trong tỉnh kinh tế còn khó khăn. Bởi vậy người sản xuất dần từ bỏ các mô hình sản xuất sạch. Công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa được chặt chẽ. Đối với hàng hóa vi phạm liên quan đến chất lượng phải yêu cầu giám định mẫu lại gặp nhiều khó khăn do cơ sở phục vụ việc xét nghiệm mẫu ở tỉnh còn hạn chế. Việc gửi mẫu đi Trung ương thời gian kéo dài ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt vi phạm.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo ATTP, các cấp, các ngành cần có lộ trình phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Trước hết, người trồng trọt, chăn nuôi, các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về ATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Người tiêu dùng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng lương thực, thực phẩm để từ đó tạo “sức ép” cho nhà sản xuất; đồng thời cần hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, biết cách chọn mua, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn và đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATTP và kịp thời khai báo khi bị NĐTP. Các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; chất bảo quản, phụ gia... và đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chất lượng, an toàn, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng ATTP. Tăng cường lấy mẫu kiểm định giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản về số lượng mẫu và chất lượng kiểm nghiệm. Các cấp, các ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế về ATTP, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý chuyên ngành, ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác chuyên môn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cùng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức từ nhà quản lý đến người dân, từ khâu sản xuất, chế biến, lưu thông đến tiêu dùng; đặc biệt, tuyên truyền các điển hình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm về ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… Thường xuyên phối hợp giữa các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố kiểm soát ATTP đối với các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Phối hợp với Công an nắm chắc các địa phương, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Minh Thuận